Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.

covid 19 ha noi
Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết âm lịch. (Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn)

Đề nghị trên được Bộ Y tế đưa ra trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ ngày 17/12, trước bối cảnh các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tăng cao, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

Trong khi đó, biến thể Omicron hiện đã xuất hiện ở 4 châu lục và ít nhất 77 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Omicron là chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch, khả năng lây lan nhanh hơn 3,2 lần so với chủng Delta.

Báo Vnexpress dẫn lời ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng hiện nay cần duy trì các hoạt động thiết yếu để phát triển kinh tế; còn các hoạt động khác cần phải có điều kiện, nếu không cần thiết có thể tạm dừng. “Chỉ đến những nơi đông người khi thực sự cần thiết, tránh tụ tập, liên hoan, giảm số người trong các buổi hội họp… đặc biệt trong thời gian tới”, ông Phu nói.

Cũng trong hôm 17/12, ông Chu Ngọc Anh, chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ có công điện mới để siết chặt hơn các biện pháp phòng dịch; huy động thêm các lực lượng hỗ trợ y tế cơ sở… bởi số ca nhiễm tại Hà Nội đang tăng cao.

Tính từ đợt dịch cuối tháng 4/2021 đến nay, Hà Nội có gần 23.000 ca mắc COVID-19. “Riêng từ khi chuyển sang trạng thái mới, thành phố ghi nhận thêm 18.000 ca”, ông nói.

Còn tại TP.HCM, do dịch COVID-19 tại thành phố có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ bệnh nhân nặng khá cao, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký công văn khẩn kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ bổ sung 1.000 bác sĩ cùng 2.000 điều dưỡng.

Trước đó, ngày 2/12, Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì sự hỗ trợ của 153 quân y tại 85 trạm y tế lưu động tại TP đến hết tháng 12/2021.

Đến ngày 8/12, giới chức TP tiếp tục kiến nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ bổ sung 537 quân y để tăng cường cho 179 trạm y tế lưu động (chưa kể 85 trạm đang hoạt động).

Theo công bố của Bộ Y tế, ngày hôm qua (17/12), Việt Nam ghi nhận 15.236 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 15.215 ca ghi nhận trong nước tại 59 tỉnh, thành phố. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.326 ca/ngày.

Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 246 ca tử vong, 31.057 ca bình phục.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.508.473 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.297 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.503.003 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.912 ca, trong đó, thở oxy qua mặt nạ là 5.504 ca; thở oxy dòng cao HFNC là 1.283 ca; thở máy không xâm lấn là 140 ca; thở máy xâm lấn là 966 ca; ECMO là 19 ca.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Dịch COVID-19 có ‘chiều hướng gia tăng’, TP.HCM cần hỗ trợ khẩn 3.000 nhân viên y tế