Để chống ngập TP.HCM trong giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng thành phố đề xuất chi 4,3 tỷ USD (khoảng 101.000 tỷ đồng) để làm hàng loạt dự án.

tphcm duong nguyen huu canh ngap
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh giao với đường Điện Biên Phủ) gần chân cầu Sài Gòn thường xuyên bị ngập khi mưa lớn. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Báo chí nhà nước hôm 22/5 cho biết Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình kế hoạch giảm ngập nước cho thành phố giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, TP.HCM cần khoảng 101.000 tỷ đồng (tương đương 4,3 tỷ USD) để cải tạo hệ thống thoát nước.

Trong đó, các dự án thuộc quy hoạch 752 (về tổng thể hệ thống thoát nước của TP.HCM đến năm 2020) được đầu tư hơn 38.100 tỷ đồng.

Các dự án thuộc quy hoạch 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM) được đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng. Ngoài ra, các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải được đầu tư 41.000 tỷ đồng và các công trình khác hơn 1.700 tỷ đồng.

Kế hoạch 8 tháng cuối năm nay, thành phố sẽ khởi công 12 dự án với tổng kinh phí 8.000 tỷ đồng, trong đó 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường. Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè trị giá 307 triệu USD…

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời PGS.TS Hồ Long Phi – nguyên viện trưởng Viện nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM) đặt vấn đề với nguồn vốn 4,3 tỷ USD, thành phố sẽ lấy tiền từ đâu và nếu có thì liệu giải ngân nổi hay không?

Ông Phi cho rằng giới chức thành phố cần triển khai có lộ trình để giải quyết ngập nơi nào trước, khu vực nào trước và tiến độ trong bao lâu. Thành phố nên giao hẳn cho một đơn vị trực tiếp quản lý quá trình triển khai quy hoạch từng giai đoạn ra sao, bố trí vốn thế nào, cam kết hoàn thành đúng tiến độ và không thực hiện được thì xử lý ra sao. Tuyệt đối không để quy hoạch chỉ nằm trên giấy từ năm này sang năm khác, tình trạng ngập càng lúc càng nghiêm trọng hơn…

Ngoài ra, khi làm các giải pháp công trình cần tăng cường khả năng điều tiết, có chỗ trữ nước thay vì để nước chảy trên đường; đồng thời phải chừa không gian cho triều và lũ, tránh việc xâm chiếm ven sông, các vùng chứa nước…

TPHCM vay thêm gần 2.400 tỷ đồng để chống ngập

TP.HCM hiện có khoảng 13 triệu người đang sinh sống và làm việc, gia tăng dân số trung bình khoảng 200.000 người mỗi năm.

Thế nhưng, hệ thống thoát nước thành phố lạc hậu so với nhu cầu thực tế, chỉ phục vụ cho dân số 1,5 triệu người từ năm 1975. Cống thoát nước dài khoảng 4.000km, nhưng phần lớn được lắp đặt từ thời Pháp, nhiều cống hơn 50 năm không còn phù hợp với quy mô đô thị và dân số hiện hữu, theo báo Vietnamnet.

Hồi tháng 6/2020, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết từ năm 2016-2020, giới chức thành phố đã chi gần 26.000 tỷ đồng cho các dự án chống ngập, nhưng vẫn còn 22 tuyến đường bị ngập.

Tại buổi họp báo chiều 4/6/2020, trả lời câu hỏi vì sao TP.HCM vẫn bị ngập trên nhiều tuyến đường và tính hiệu quả của các công trình chống ngập, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho hay hàng loạt dự án chống ngập của thành phố đang trong quá trình thực hiện nên việc kết nối chưa hoàn chỉnh, các dự án chống ngập chủ yếu thực hiện trong trung tâm, vùng ven chưa được chống ngập.

Tuy nhiên, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, nguyên nhân chính gây ngập tại Việt Nam mà đặc biệt là TP.HCM là do phát triển thiếu bền vững, đô thị hóa tràn lan, thiếu không gian dành cho nước và không nâng cấp hạ tầng, đánh giá tác động môi trường lại do chính chủ đầu tư thực hiện, làm qua loa để được cấp phép… Ngập là hệ quả của việc buông lỏng quản lý trong cấp phép quy hoạch, xây dựng, với trách nhiệm chính của chính quyền và doanh nghiệp.

Theo đó, ông Sơn cho rằng thay vì chạy theo các dự án công trình chống ngập tốn kém, thành phố trước hết phải rà soát, thương lượng lại với các nhà đầu tư đã được cấp phép. Công trình nào đã xây rồi thì đánh giá lại tác động môi trường và yêu cầu góp chi phí xây dựng công trình chống ngập. Công trình nào chưa xây mà không đảm bảo phương án chống ngập thì tạm ngưng, không cho tiếp tục.

Ngọc Long

Xem thêm:

3.668 đồng/m2 định giá ‘xã hội hóa’ chống ngập: Người dân thêm tròng?