Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết các chuyên gia dịch tễ của Hà Nội nhận định bệnh nhân người Nhật đã tử vong đã lây nhiễm cho hai ca nhiễm sau. Nhưng về khả năng người này bị lây bệnh tại Hà Nội thì ông này cho rằng vẫn phải chờ kết quả giải trình tự gene.

COVID 19 hanoi 3
Các nhân viên tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang được lấy mẫu xét nghiệm nCoV. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Tại cuộc họp chiều 17/2, Giám đốc Sở Y tế – ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết vẫn đang có rất nhiều câu hỏi xung quanh bệnh nhân người Nhật Bản đã tử vong tại khách sạn – bệnh nhân 2229.

Ông Hiền cho biết trong chiều 17/2, pháp y tiến hành mổ tử thi để kết luận nguyên nhân tử vong, nhưng Sở Y tế Hà Nội cũng có nhận định riêng về nguồn lây bệnh của trường hợp này.

Theo ông Hiền, qua xét nghiệm bệnh nhân 2229 và 2 bệnh nhân 2234, 2240 (hai ca được phát hiện khi truy vết từ bệnh nhân 2229) thì bệnh nhân 2229 có nồng độ virus cao nhất, sau đó đến bệnh nhân 2234 và bệnh nhân 2240. Các chuyên gia dịch tễ của Hà Nội nhận định nguồn lây là từ bệnh nhân 2229 sang 2 bệnh nhân kia (nồng độ virus thấp hơn cho thấy thời gian lây nhiễm ít hơn).

Về thời gian thì 3 bệnh nhân chỉ tiếp xúc với nhau vào ngày 2/2, sau khi bệnh nhân 2229 trở về Hà Nội vào ngày 1/2. Do đó, ông Hiền cho rằng về logic, rất ít có khả năng ông này nhiễm COVID-19 tại Hà Nội vào ngày 1/2 rồi tiếp tục lây sang 2 người khác vào ngày 2/2.

Đưa thêm cơ sở lập luận, ông Hiền cho biết trong Công ty Mitsui có 1 người đã đến TP Chí Linh (Hải Dương) ngày 13/1. Mẫu bệnh phẩm của người này do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm không có cả kháng thể lẫn kháng nguyên, tức là người này chưa từng nhiễm bệnh.

Vì vậy, ông Hiền cho rằng ít có khả năng bệnh nhân 2229 lây bệnh từ Hà Nội, phải chờ kết quả giải trình tự gene mới biết chính xác.

Bệnh nhân 2229 (chuyên gia Nhật Bản, làm việc ở Công ty Mitsui Việt Nam) được phát hiện tử vong tại khách sạn ở Tây Hồ, Hà Nội hôm 13/2 – vào ngày thứ 13 sau khi kết thúc cách ly tập trung tại TP.HCM, xét nghiệm dương tính COVID-19. Sau đó, thêm hai đồng nghiệp của người này, đã cùng họp hôm 2/2, có kết quả dương tính.

Ngày 15/2, Bộ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Thanh Long khuyến cáo Hà Nội phải coi đây là một ca nhiễm bệnh trong cộng đồng, bệnh nhân có thể bị nhiễm virus tại Hà Nội và không phải là F0. 

Lý do ông Long đưa ra là vì qua xét nghiệm, nồng độ virus của bệnh nhân khá cao, khả năng bị lây nhiễm trong vòng 5-7 ngày trở lại, trong khi bệnh nhân đã rời khu cách ly ở TP.HCM từ ngày 31/1 (cách thời điểm bệnh nhân tử vong 13 ngày). Vì vậy, Bộ Y tế nghiêng hơn về giả thiết bệnh nhân mới bị lây nhiễm, nguồn lây có thể tại Hà Nội và bệnh nhân không phải là F0.

Giả thiết thứ hai là khả năng bệnh nhân bị lây nhiễm từ khu cách ly. Theo ông Long, khả năng này là có, nhưng “rất thấp”, vì cả 34 người cách ly cùng đợt đều âm tính, và khả năng tái dương tính sau 14 ngày cách ly thì cả thế giới ghi nhận cũng thấp.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Phòng khám nơi bệnh nhân COVID-19 người Nhật từng khám bị tạm đình chỉ