UBND tỉnh Thanh Hóa vừa quyết định giao đất (đợt 1), diện tích hơn 7,7 ha cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) để thực hiện dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí nam sông Mã tại phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn.

bien sam son thanh hoa
Khu vực biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. (Ảnh: Tony Duy/shutterstock)

Theo đó, tỉnh giao 3,6 ha đất ở (gồm 1,6 ha đất biệt thự và 2 ha đất liền kề) với hình thức “Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất”. Thời hạn giao đất 50 năm, “người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định, lâu dài”.

Tỉnh cũng cho thuê 0,25 ha đất sử dụng vào mục đích trường mẫu giáo, hình thức thu tiền một lần cho cả thời gian thuê trong 50 năm.

Thanh Hóa còn giao 3,88 ha đất giao thông, cây xanh để Sun Group hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết được duyệt. Thời hạn hoàn thành và bàn giao hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thiện trước ngày 31/10/2023.

Khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí nam sông Mã có quy mô hơn 130 ha. Dự án thuộc dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn, vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

Đầu tháng 10/2020, Sun Group đã khởi công tổ hợp này. Diện tích dự án khoảng 550 ha; bao gồm khu đô thị quảng trường biển Sầm Sơn, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng sông Đơ tại Sầm Sơn, khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí nam sông Mã. Trong đó, điểm nhấn là quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP. Sầm Sơn nằm ngay mặt đường Hồ Xuân Hương.

Ngoài dự án ở Sầm Sơn, tại Thanh Hóa, Sun Group còn nghiên cứu, đề xuất đầu tư nhiều dự án lớn như Khu đô thị Đông Nam TP. Thanh Hóa (1.500 ha), Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Quảng Xương (100 ha), Khu đô thị, khu công nghiệp Đông Sơn (6.000 ha), Khu du lịch sinh thái Bến En (1.500 ha)…

Sửa luật để “mở đường” cho casino Vân Đồn?

Sun Group do một nhóm người Việt Nam thành lập tại Ukraine năm 1998. Ngay từ khi thành lập, tập đoàn này đã xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt Nam tại nước ngoài lúc bấy giờ có tên Barabasova, Siêu thị và Văn phòng cho thuê – Sun City, siêu thị thực phẩm đầu tiên của người Việt – Sun Mart, công viên nước trong nhà – Jungle hay khách sạn 4 sao đầu tiên của người Việt – SunLight. Nổi bật nhất là Làng Thời Đại – nơi sinh sống của 300 gia đình người Việt ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.

Năm 2007, Sun Group quyết định đầu tư tại Việt Nam và chọn Đà Nẵng là điểm bắt đầu với tiêu chí “Chất lượng và sự khác biệt”, hướng tới những sản phẩm mang “Dấu ấn vượt thời gian”.

Ngày 14/9/2007, Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà được thành lập. Hai năm sau, 2 tuyến cáp treo Suối Mơ – Bà Nà, Debay – Morin được đưa vào vận hành, chính thức mở ra khu quần thể vui chơi, nghỉ dưỡng mang tên Ba Na Hills. Đó là dấu chân đầu tiên của Sun Group tại Việt Nam.

Tiếp sau đó, hàng loạt các dự án liên quan đến Tập đoàn này được nhắc tới như: Dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo, Khu phức hợp vui chơi giải trí Vân Đồn, Dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn…

Báo Phụ Nữ hồi tháng 9/2019 trong bài viết “Sun Group – ‘ông trời’ không từ trên cao” cho hay “từ Vườn Quốc gia Tam Đảo đến núi Bà Nà, núi rừng tan nát, chim muông cây cỏ bị thiêu rụi… Họ phá núi, đốn rừng, mở đường để dựng bê tông, xây khu vui chơi, đặt trạm kiểm soát, thu tiền…”

“Dân vùng Bà Nà – núi Chúa kêu la vô ích! Thậm chí, có người là giáo viên, thuở Sun Group giải tỏa, đền bù thảm, kiện miết, bị cho thôi dạy vì không làm đúng chủ trương của Nhà nước”.

Sun Group xứng đáng được gọi là “trời”, bởi “được che chắn từ hạ giới có tên là im lặng của chính quyền từ trung ương đến địa phương”; “Đã từ lâu những tiếng nói phản biện, kêu cứu, về những dự án tàn phá tự nhiên của Sun Group vang lên, nhưng tất cả đều như một trò đùa”, theo tờ báo.

Liên quan đến Tập đoàn Sun Group, mới đây hôm 24/9, Fanpage “Save Tam Đảo” tại địa chỉ facebook.com/savetamdao.vn đã biến mất khỏi Facebook.

“Save Tam Đảo” là chiến dịch bảo vệ Vườn Quốc gia Tam Đảo khỏi sự đe dọa của dự án “Khu Du lịch Sinh thái Tam Đảo 2 – Bến Tắm – Thác 75”, do tập đoàn Sun Group làm chủ.

Một trong những nguyên nhân “Save Tam Đảo” bị biến mất, theo Green Trees, là do một hình ảnh tại Vườn Quốc gia Tam Đảo cho thấy “sự cố sạt lở và rửa trôi đất từ việc san ủi con đường vào dự án”.

du an tam dao 2
Hình ảnh tại Vườn Quốc gia Tam Đảo cho thấy sự cố sạt lở và rửa trôi đất từ việc san ủi con đường vào dự án Tam Đảo. (Ảnh: Green Trees/Facebook)

GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam từng nhận định trên báo Phụ Nữ hồi năm 2019: “Khi làm đường sá, làm khu du lịch, vui chơi, khách sạn, resort… thì chắc chắn lượng khách vào sẽ đông. Muốn xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, dứt khoát phải nổ mìn, phải phá rừng làm đường. Việc phá như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến động vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, ảnh hưởng rất lớn. Bởi khi nổ mìn, xây dựng, sẽ phá mất môi trường sống của động vật, chúng sẽ chết đi vì không có thức ăn, không có nơi sống…”.

“Nhà nước cần thận trọng khi để phát triển ồ ạt khu du lịch, không nên chỉ nghĩ đến kinh tế mà cần phải nghĩ đến tương lai, đến thế hệ mai sau”, ông Huỳnh nói.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Sun Group đầu tư 12.000 tỷ vào khu du lịch Mẫu Sơn