Sáng sớm ngày 3/2, Bộ Y tế Việt Nam công bố ghi nhận thêm 9 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, tại Gia Lai (4 ca), Hải Dương (2), Bình Dương (2) và Hà Nội (1). Với các chuỗi lây nhiễm mới, Gia Lai, Bình Dương đang trở thành các điểm nóng liền sau Hà Nội.

gia lai covid 4
Xe cứu thương được điều động chở những trường hợp F1 đi cách ly tập trung tại thị xã Ayun Pa, ngày 1/2/2021. (Ảnh: Vũ Chi/baogialai.com.vn)

TP Hà Nội ghi nhận bệnh nhân 1883, là 1 F1 của bệnh nhân 1814 liên quan ổ dịch TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là nhân viên phòng công chứng ở Duy Tân (quận Cầu Giấy), đã được Hà Nội công bố vào tối 2/2.

Bệnh nhân này có bay vào TP.HCM vài ngày trước và có lịch trình phức tạp.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 2/2 đã phát thông báo khẩn, kêu gọi người đã đến Phòng công chứng số 3 ở địa chỉ số 6, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, từ ngày 27/1 đến 2/2, cần tự cách ly tuyệt đối tại nhà và thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ phòng dịch; hoặc gọi đến số điện thoại đường dây nóng: 0969.082.115; 0949.396.115.

Tỉnh Hải Dương ghi nhận 2 bệnh nhân – bệnh nhân 1884bệnh nhân 1885, cùng là công nhân tại Khu công nghiệp thành phố Chí Linh – hiện đang là vùng dịch lớn nhất cả nước.

Theo Bộ Y tế, 2 ca bệnh này đã được cách ly từ trước, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm ngày 28/1 âm tính, lần xét nghiệm thứ hai dương tính.

Tỉnh Bình Dương ghi nhận 2 bệnh nhân – bệnh nhân 1886bệnh nhân 1887, là 2 F1 của bệnh nhân 1843, bệnh nhân 1801 liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 bệnh nhân – bệnh nhân 1888-1891, gồm 3 F1 liên quan ổ dịch Công ty POYUN, tỉnh Hải Dương và 1 ca bệnh đang được điều tra dịch tễ.

Tổng số người nhiễm bệnh trong đợt bùng phát mới, tính từ ngày 28/1 đến nay, là 310 ca – con số ca nhiễm cao nhất tại Việt Nam trong các đợt dịch bùng phát, kể từ từ cuối tháng 1/2020. 10 tỉnh, thành đã xuất hiện dịch.

“Virus có khả năng lây khủng khiếp”

Tại cuộc họp vào chiều 2/2, GS. TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận định: “Chủng virus gây dịch COVID-19 lây qua không khí nên khả năng lây khủng khiếp hơn”.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thanh Long, nếu số lượng F1 vài trăm ca có thể truy vết được nhưng nếu lên tới 1.000 ca không thể truy vết được, mà có thể bỏ qua các mấu chốt về dịch tễ, trong khi chủng mới lây lan nhanh hơn 70% và có đến 70-80% bệnh nhân không có triệu chứng cho nên sẽ dễ bị bỏ qua trong các công đoạn rà soát nên phải thay đổi phương thức.

Ngoài ra, ông Long yêu cầu các tỉnh có dịch cần nâng cao năng suất xét nghiệm, cần ưu tiên xét nghiệm F1 trước. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa. “Bài học thành công của Đà Nẵng chính là công suất xét nghiệm. Truy vết, lấy mẫu xét nghiệm nhanh nhưng xét nghiệm cũng phải đáp ứng được”, ông Long nói.

Hiện ngoài TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) đã bắt đầu phong tỏa 21 ngày (từ 2/2), Hà Nội đang hình thành thêm một chuỗi lây nhiễm mới từ bệnh nhân 1814 (giáo viên THCS Sao Đỏ, TP Chí Linh). Từ ca nhiễm này, 4 F1 gồm con trai (sinh viên Đại học FPT), một phụ nữ ở phường Dịch Vọng đi dự đám cưới, chồng và một nhân viên công chứng đã nhiễm bệnh (lần lượt được xác định là các bệnh nhân 1815, bệnh nhân 1819, bệnh nhân 1825, bệnh nhân 1883). Chuỗi lây nhiễm trước là từ bệnh nhân 1694 với 8 F1 và 4 F2 dương tính.

Số mắc tại tỉnh Gia Lai vẫn đang tăng và phức tạp, tổng số ca mắc đã tăng lên 13 ca trong 3 ngày, trong đó có 1 nhiễm bệnh được phát hiện trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Trong ngày 3/2, Bộ Y tế sẽ điều Viện Pasteur TP.HCM và CDC Đà Nẵng đến hỗ trợ do tỉnh này đang gặp nhiều khó khăn về xét nghiệm, điều trị…

Về quyết định đóng cửa toàn bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, GS.TS  Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng cần xem xét lại vì đây là nơi cứu chữa, điều trị tất cả bệnh nhân trong khu vực. Nếu đóng cửa toàn bộ sẽ là thảm hoạ. Ông Tuấn đề nghị chỉ cách ly những nhân viên tại khoa bệnh nhân đã đi qua, sau đó đóng cửa làm sạch bệnh viện và sớm mở cửa trở lại càng nhanh càng tốt.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế  yêu cầu không phong tỏa cả bệnh viện, trừ trường hợp xuất hiện lây chéo trong bệnh viện; cách ly tập trung ngay các y bác sĩ có tiếp xúc với bệnh nhân, xét nghiệm; xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân; cùng với đó, giải phóng, làm sạch bệnh viện như Đà Nẵng đã làm, để đưa bệnh viện hoạt động trở lại.

Ngoài tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lo tình hình tại tỉnh Bình Dương, khi ca bệnh là sinh viên (bệnh nhân 1843) rất phức tạp, ĐH Thủ Dầu Một là một trường đại học lớn với trên 10.000 sinh viên, các em sinh viên năm thứ nhất học tín chỉ không biết nhau nhiều, vì thế việc truy vết rất khó. Đến chiều 2/2, trong số các F1 của bệnh nhân 1801 tiếp tục có 2 ca dương tính.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Người Vũ Hán nói gì về việc WHO điều tra chợ hải sản Hoa Nam?