Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất (thép Hòa Phát) đã đề xuất lấy thêm gần 1.700 ha đất để làm các dự án tại Khu kinh tế Dung Quất, giới chức tỉnh Quảng Ngãi đồng ý phần lớn. Có khoảng gần 500 ha đất còn lại, tỉnh đề nghị “công ty cân nhắc tính khả thi dự án” và “cho ý kiến sau”. 

thep dung quat 1
Thép Hòa Phát muốn lấy thêm gần 1.700 ha đất làm các dự án. (Ảnh: hoaphatdungquat.vn)

Trong buổi làm việc với giới chức tỉnh Quảng Ngãi mới đây, doanh nghiệp thép Hòa Phát muốn bổ sung khoảng 300 ha ở phía Nam Khu liên hợp 1 và 2 qua đường Trì Bình – Dung Quất, thuộc xã Bình Đông để đầu tư dự án Nhà máy sản xuất hợp kim sắt; bổ sung quy hoạch 79 ha để mở rộng dự án Nhà máy Hòa Phát Dung Quất 2; 796 ha thuộc xã Bình Thuận để đầu tư dự án Hòa Phát Dung Quất 3; 361 ha về phía tây của khu công nghiệp để mở rộng quy hoạch Khu công nghiệp Hòa Phát.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề xuất thêm 128 ha tại xã Bình Dương để đầu tư Khu dân cư đô thị hỗn hợp phục vụ tái định cư cho các dự án.

Với đề xuất từ phía Hoà Phát, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Văn Minh đồng ý chuyển toàn bộ đất thuộc quy hoạch Khu đô thị Dốc Sỏi và đô thị phía Tây Khu kinh tế Dung Quất (trừ giai đoạn 1A của Hoàng Thịnh Đạt) sang đất đô thị, dịch vụ – thương mại.

Với vị trí 300 ha khu vực phía Đông Bắc Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh đồng ý chuyển toàn bộ sang đất công nghiệp theo đề xuất của doanh nghiệp.

Với 79 ha thuộc xã Bình Thạnh, tỉnh cũng đồng ý định hướng đầu tư phát triển công nghiệp đồng bộ. Công ty cổ phần thép Hòa Phát cần làm việc với các doanh nghiệp đang hoạt động tại vị trí này để thương lượng, bồi thường và di chuyển sang vị trí khác…

Với phần đất 361 ha, lãnh đạo tỉnh giao Ban Quản lý cập nhật vào đất công nghiệp, trừ khu vực thuộc đất quốc phòng, địa phương sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng và “sẽ cho ý kiến sau”.

Đối với khu 796 ha, tỉnh đồng ý đưa vào quỹ đất dự trữ phát triển.

Riêng đối với khu đất 128 ha ở địa phận thuộc xã Bình Dương, tỉnh “đề nghị công ty cân nhắc lại tính khả thi của dự án”, đặc biệt là ý tưởng đầu tư để tái định cư.

Nhà máy gây ô nhiễm, chính quyền thì hứa tái định cư nhiều năm cho dân nhưng không thực hiện

Trong thời gian qua, nhiều người dân sống tại khu vực gần nhà máy thép Hòa Phát đã nhiều lần dựng lều, dùng dây văng chặn ở cổng nhà máy để ngăn không cho xe vận chuyển hàng hóa ra vào.

nguoi dan dung leu nha may thep hoa phat
Người dân dựng lều trước cổng nhà máy thép Hòa Phát. (Ảnh: Thanh Chung/laodong.vn)

Theo người dân, trong quá trình hoạt động sản xuất, nhà máy đã thải khói ra môi trường có mùi khét nồng nặc, gây tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người dân, trong khi nhiều năm qua, chính quyền hứa tái định cư cho hàng trăm gia đình nhưng lại không thực hiện.

Báo Lao Động hồi tháng 6 dẫn lời một người dân sống ở khu vực nhà máy thép cho biết “3 năm qua, không dưới 10 lần, người dân sinh sống lân cận nhà máy rủ nhau tập trung để yêu cầu doanh nghiệp ngừng xả thải gây ô nhiễm”.

“Chúng tôi bị tra tấn bởi mùi hôi do nhà máy phát tán; nhiều khi đang ngồi bưng bát cơm, mùi hôi khét lẹt xông thẳng vào nhà, thế là phải bỏ dở bữa ăn…”

“Nhiều năm nay, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cứ hứa giải quyết tái định cư cho hàng trăm hộ dân xã Bình Thuận nhưng dân chờ mãi vẫn chưa thấy triển khai. Nếu cứ sống chung với bầu không khí ô nhiễm thế này, chắc chẳng có ai ở đây sống nổi. Tội nhất, là những đứa trẻ nhỏ phải gánh chịu một bầu không khí ô nhiễm như thế này”, một người dân sống ở thôn Đông Lỗ nói.

Được biết, đến thời điểm tháng 6/2021, có khoảng 340 gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án thép Hòa Phát. Trong đó có khoảng 70 gia đình đã đồng ý di dời, số còn lại vẫn chưa hoàn thành áp giá đền bù và di dời.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Khói màu hồng bất thường tại Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất