Tính đến hết ngày 29/7, TP.HCM đã ghi nhận 82.548 ca COVID-19; tính cộng dồn đã có 1.057 ca tử vong. Còn tại Hà Nội, các chuyên gia dịch tễ nhận định những ổ dịch mới tiếp tục phát sinh tại nhiều quận, huyện, nhiều F0 không rõ nguồn lây, ẩn khuất trong cộng đồng, rất khó dự đoán diễn biến dịch.

phong toa thanh pho thu duc
TP.HCM có 1.057 ca COVID-19 tử vong; Hà Nội rất khó dự đoán dịch, cấp tốc xây BV dã chiến. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) trưa hôm 30/7 cho biết tính hết ngày 29/7, có 82.548 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại thành phố được Bộ Y tế công bố (chưa tính số ca nhiễm đã công bố sáng ngày 30/7). Trong đó có 82.244 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 304 trường hợp nhập cảnh.

Trong ngày 29/7, có thêm 3.131 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca bình phục từ khi dịch bệnh bắt đầu là 28.320 ca.

Hiện thành phố đang điều trị 36.378 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính), trong đó có 847 bệnh nhân nặng đang thở máy và 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay có 1.057 bệnh nhân tử vong.

Trong ngày, giới chức y tế không phát hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới. Hiện còn 31 chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát.

HCDC cho biết từ ngày 26/5 đến 28/7, qua rà soát số liệu, lọc trùng, đã lấy 1.116.558 mẫu, trong đó có 631.976 mẫu đơn và 484.582 mẫu gộp, với 5.083.306 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…). Tổng số mẫu chưa có kết quả là 13.324 mẫu, trong đó có 12.844 mẫu đơn và 480 mẫu gộp.

Tổng số hiện đang thực hiện cách ly là 44.636 người, trong đó có 6.566 người đang cách ly tập trung, 38.279 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

Hôm 30/7, Ban Chỉ đạo phòng dịch COVID-19 TP. Thủ Đức (TP.HCM) đã ban hành quyết định dừng thiết lập cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 đối với 5 phường: Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước, Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phú. Thời gian bắt đầu dừng thiết lập y tế từ 18h ngày 30/7.

Trước đó, 7 phường gồm: Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A và Long Trường, Long Thạnh Mỹ, Trường Thạnh, Tăng Nhơn Phú B, Linh Trung cũng đã dừng phong tỏa, cách ly. Như vậy, TP. Thủ Đức đã dừng phong tỏa toàn bộ 12/12 phường với hơn 490.000 dân.

Hiện TP.HCM cũng đang xem xét ưu tiên tổ chức tiêm vắc-xin cho 62.000 người là nhân viên giao hàng của các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper.

Hà Nội khó dự đoán tình hình dịch; cấp tốc xây bệnh viện dã chiến

Báo Vnexpress hôm 30/7 dẫn thông tin từ ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), cho biết tình hình dịch tại Hà Nội hiện nay rất khó đánh giá vì còn nhiều ca “lỗ mỗ” trong cộng đồng, không tập trung một chỗ mà rải rác ở nhiều quận huyện.

Theo ông Tuấn, thời gian tới, Hà Nội sẽ ghi nhận thêm nhiều F0 được phát hiện thông qua xét nghiệm người ho sốt; có nhiều ca chưa rõ nguồn lây nên chưa thể dự báo thời điểm nào kiểm soát được.

“Hiện cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tăng cường lấy mẫu, truy vết nhưng thỉnh thoảng phát sinh ổ dịch mới, nên phải một vài ngày nữa mới dự đoán tiếp được”, ông Tuấn nói.

Sở Y tế Hà Nội cho biết trong đợt dịch thứ 4, từ ngày 29/4 đến 30/7, Hà Nội đã ghi nhận 1.059 trường hợp dương tính với virus Vũ Hán, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 642 ca.

Trong buổi họp báo hôm 24/7, ông Nguyễn Đình Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay đợt dịch này chủ yếu là biến chủng virus Delta và Delta+, có đặc điểm lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn, chỉ từ 2-3 ngày. Gần đây, trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận khoảng từ 50 đến 60 ca nhiễm.

Cũng theo ông Hưng, Sở Y tế đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn. Hiện phương án, kịch bản 1.000 giường đã được thực hiện. Sắp tới, Sở xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 20.000 giường, 50.000 giường… và chia 4 tầng điều trị.

Hà Nội hiện có 8 chùm ca bệnh không rõ nguồn lây. Với ổ dịch mới phát sinh tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, tính đến sáng 29/7 đã có 43 ca.

Báo VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 29/7 dẫn lời PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết dịch xâm nhập bệnh viện có nhiều nguyên nhân, có thể từ nguồn người bệnh đến khám mà khi thực hiện sàng lọc không hết; thứ hai là người nhà của bệnh nhân không theo quy định và bệnh viện quản lý không chặt, việc người nhà bệnh nhân ra vào là nguy cơ đưa dịch từ ngoài vào trong bệnh viện; thứ ba là nhân viên y tế có thể bị lây nhiễm từ bên ngoài.

Ông Nhung cho rằng để đề phòng tình trạng virus lan rộng, Hà Nội cần thí điểm sớm việc F0, F1 có thể cách ly tại nhà. Điều này là phù hợp để cơ sở y tế, hạ tầng y tế đảm bảo có sự dự trữ, trong trường hợp cần phải chăm sóc y tế thì mới vào bệnh viện.

Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam đánh giá “nguy cơ lây lan virus tại Hà Nội luôn rất lớn” do người dân từ nhiều địa phương đổ về, nhu cầu giao lưu, đi lại lớn.

“Hà Nội luôn tồn tại nguy cơ tiềm ẩn, các ca mắc và ổ dịch lẩn khuất trong cộng đồng, rải rác trên nhiều quận, huyện, khu vực thay vì tập trung ở một nơi”, ông Phu nói trên báo Vnexpress.

Do đó, theo ông Phu, trước mắt thành phố cần tăng cường xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng ho, sốt trong cộng đồng; đồng thời xét nghiệm diện rộng có chỉ định như khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, chợ… để đánh giá nguy cơ.

Hiện giới chức Hà Nội đang cho xây dựng cấp tốc bệnh viện dã chiến tại ngõ 587 Tam Trinh (quận Hoàng Mai). Dự án khởi công từ 24/7, dự kiến hoàn thiện vào ngày 30/8. Bệnh viện có diện tích 3,5 ha, được xây dựng trên phần đất của chủ đầu tư là Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, với quy mô hơn 500 giường bệnh, theo báo Thanh Niên.

Nhiều quận huyện tại Hà Nội cũng đã phát thẻ đi chợ luân phiên cho người dân theo giờ và theo ngày chẵn, lẻ; kiểm soát người ra – vào chợ, tổ chức mua hàng tại chợ theo quy định một chiều (vào một chiều, ra một chiều), theo báo Tin Tức – TTXVN.

Từ 6h ngày 24/7, thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày.

Hoàng Minh (t/h)

Xem thêm:

Gần 78.000 ca COVID-19 tại TP.HCM: Bộ Y tế lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực