Nhận định nguồn nước thô bị ô nhiễm và nhiễm mặn, TP.HCM quyết định di dời hàng loạt nhà máy cấp nước thô về phía thượng nguồn các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.

song sai gon o nhiem
Màu nước đen và rác phủ trên mặt sông Sài Gòn, TP.HCM. (Ảnh: Xuanhuongho/Shutterstock)

Phó chủ tịch UBND TP.HCM – ông Lê Hòa Bình vừa ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020-2050, cùng Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TP.HCM giai đoạn 2020-2030. Quyết định có hiệu lực từ ngày 18/1.

UBND TP.HCM nhận định nguồn nước thô hiện nay đang có xu hướng bị ô nhiễm và nhiễm mặn, ngoài ra việc khai thác nước thô bất lợi do phụ thuộc vào việc kiểm soát chất lượng nước thải của các tỉnh, thành trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Do đó, chính quyền thành phố định hướng trong giai đoạn 2020-2050 sẽ di dời dần điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, dự kiến xây nhà máy nước từ 2 hướng đông và tây của thành phố.

Nhà máy nước Đông thành phố có công suất 500.000 m3/ngày và đêm, sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai, hồ Trị An. Nhà máy dự kiến hoạt động năm 2040, đặt tại TP Thủ Đức.

Nhà máy nước Tây thành phố sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng với công suất 2 triệu m3/ngày và đêm (năm 2050), đặt tại huyện Hóc Môn hoặc huyện Bình Chánh. Thành phố sẽ khảo sát xây dựng cụm hồ chứa nước thô để tăng dự trữ.

Về chương trình cấp nước sạch giai đoạn 2020-2030, thành phố sẽ di dời điểm khai thác nước thô hiện tại ở Hòa Phú (Củ Chi) lên phía thượng lưu để hạn chế bị ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ vào sông Thị Tính. Vị trí mới cách trạm bơm Hòa Phú hiện tại khoảng 15-20 km, cách ngã ba sông Thị Tính – sông Sài Gòn khoảng 10-15 km về thượng lưu.

Ngoài ra, để hạn chế ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước ngầm, TP sẽ trám lấp giếng dưới đất đến năm 2025 và yêu cầu các đơn vị cấp nước ngừng khai thác nước ngầm ở nơi đã có mạng cấp nước. Theo kế hoạch đến năm 2025, TP vẫn duy trì tổng lượng khai thác nước dưới đất là 100.000 m3/ngày và đêm.

Hiện 94% nguồn nước thô khai thác từ hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn thông qua 2 trạm bơm Hòa Phú (huyện Củ Chi) và Hóa An (Đồng Nai), 6% từ nguồn nước ngầm. Nước thô được dẫn về cụm nhà máy nước Tân Hiệp và nhà máy nước Thủ Đức xử lý, cung cấp cho người dân.

Công suất phát nước thực tế trung bình năm 2019 là hơn 1,9 triệu m3/ngày, trong khi đó, tổng công suất cấp nước thiết kế là 2,4 triệu m3/ngày. Trong 5 năm tới (2020-2025), TP.HCM dự kiến tăng tổng công suất hệ thống cấp nước lên 2,9 triệu m3/ngày đêm và kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước từ 20,85% (hiện tại) xuống 18%.

Chính quyền TP đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2020 – 2050, công suất của hệ thống cấp nước phải tương ứng với nhu cầu, có thể chênh lệch (thấp hơn hoặc cao hơn) 5% – 10% so với tổng nhu cầu dự báo. Các nhà máy nước hiện nay đã được dự trù mở rộng cho tổng công suất toàn hệ thống là khoảng 3,6 triệu m3/ngày đêm. Nhưng tổng công suất này chỉ đáp ứng được nhu cầu trong khoảng 10 năm tới, đến năm 2030. Do đó, trong 20 năm tiếp theo, từ năm 2030 – 2050, hệ thống cần có thêm các nguồn cung cấp khoảng 2,4 triệu m3/ngày đêm.

Nước ở lưu vực sông Đồng Nai đang ô nhiễm tới mức nào?

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 chuyên đề Môi trường nước các lưu vực sông của Bộ TN-MT, lưu vực hệ thống sông (LVHTS) Đồng Nai có diện tích lưu vực 36.530 km2, chủ yếu nằm trong vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, gồm một số sông lớn như sông Đồng Nai, sông La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ…

Ngoại trừ phần thượng nguồn có chất lượng còn tương đối tốt, nhiều nơi nước có thể’ sử dụng để’ cấp nước cho sinh hoạt như Hồ Trị An, chất lượng nước sông Đồng Nai có xu hướng giảm khi chảy qua địa phận TP.HCM (Bến phà Cát Lái, Mũi Đèn Đỏ), nhiều khu vực chất lượng nước chỉ đạt mức trung bình, đã ghi nhận nước sông bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ và chất dinh dưỡng do tiếp nhận nước thải sinh hoạt đô thị, nước thải công nghiệp và hoạt động giao thông thủy.

Tương tự, chất lượng nước sông Sài Gòn cũng bị suy giảm đoạn trung lưu và hạ lưu. Đặc biệt đoạn sông chảy qua tỉnh Bình Dương và TP.HCM, chất lượng nước chỉ ở mức trung bình, nhiều khu vực còn ở ngưỡng kém.

Hầu hết chất lượng nước ở cửa sông của lưu vực còn khá tốt, trừ vị trí sông Soài Rạp, hợp lưu suối Cả – sông Thị Vải và cảng Gò Dầu, đặc biệt là điểm hợp lưu suối Cả – sông Thị Vải, chất lượng nước bị suy giảm mạnh do chịu tác động bởi nước thải từ các trại chăn nuôi heo ở huyện Cẩm Mỹ – Đồng Nai.

Trên sông Vàm Cỏ và các phụ lưu, hầu hết các khu vực chất lượng nước chỉ đạt mức trung bình, một số nơi như cầu Bình Điền gần vị trí nhà máy phân bón Bình Điền (Long An), cảng Phú Định nơi tàu phà qua lại đông đúc và bến đò Tân Thanh chất lượng nước còn bị suy giảm ở mức kém, thậm chí là ô nhiễm nặng.

Xét theo các nguồn nước thải, lượng nước thải công nghiệp tại vùng Đông Nam Bộ là lớn nhất trong 6 vùng kinh tế. Đây là nhóm nguồn thải công nghiệp chính yếu gây ô nhiễm nguồn nước LVHTS Đồng Nai vì một lượng lớn nước thải đang xả thẳng ra môi trường. Lượng nước thải công nghiệp tại TP. HCM là 143.701 m3/ngày, đứng đầu cả nước. Đứng thứ hai là Bình Dương 136.700 m3/ngày.

Trong số các nguồn tiếp nhận nước thải đô thị, sông Sài Gòn tiếp nhận lượng chất thải nhiều nhất với 76,21% tổng lượng nước thải và 66,6% tổng tải lượng BOD5. Nước thải sinh hoạt là một trong những nguồn thải cơ bản nhất gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực, đặc biệt là ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm do dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt và vi trùng gây bệnh.

Ngoài ra là nguồn nước thải nông nghiệp (nuôi trồng thủy sản như nuôi cá bè, nuôi trong ao hồ…), làng nghề (chế biến thực phẩm, chiếu cói, sơn mài, mây tre, gốm sứ, chế biến gỗ, chế biến kim loại…). Phần lớn nguồn thải này đều không được xử lý và xả thẳng ra môi trường.

Trong TP.HCM, trừ các công trình trọng điểm như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, còn lại đa số kênh rạch tại TP.HCM, đặc biệt tại quận 8, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, đều đang trong tình trạng bị ô nhiễm nặng từ nhiều năm. Trong đó nghiêm trọng nhất là kênh B, kênh C, rạch Cầu Suối…; các dòng nước luôn đen ngòm, đầy rác và bốc mùi hôi thối.

Nguồn nước mặt bị ô nhiễm không những là yếu tố chính làm gia tăng gánh nặng bệnh tật mà còn gây tử vong đối với người cao tuổi. Theo báo cáo của Bộ Y tế (2018), việc sử dụng nguồn nước không an toàn làm gia tăng tỷ lệ gánh nặng bệnh tật và cả tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi. Đối với nhóm tuổi 65-69, tỷ lệ gánh nặng bệnh tật là 0,5%, tỷ lệ tử vong là 0,6%. Khi đến nhóm trên 80 tuổi, tỷ lệ gánh nặng bệnh tật tăng lên 1,1%, tỷ lệ tử vong là 1,2%.

Sơn Nguyên

Xem thêm:

Sốc với biển rác dài cả km