Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM hiện hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc, đã trễ hẹn 4 năm so với kế hoạch. Giới hữu trách cho hay dự kiến trong năm nay, dự án cơ bản hoàn thành.

du an chong ngap 10000 ty dong tran xuan soan ngap
Đường Trần Xuân Soạn, Quận 7 bị ngập do triều cường dâng cao. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, được phê duyệt tại quyết định số 5967 ngày 12/11/2015 của UBND TP.HCM.

Dự án có mục tiêu góp phần giải quyết vấn đề ngập do triều cường tại thành phố với diện tích khoảng 570 km2, khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Quy mô chính của dự án là đầu tư xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm các cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, các cống nhỏ và khoảng 6 km đê kè xung yếu khu vực sông Sài Gòn (trên cơ sở nâng cao trình của những vùng trũng thấp).

dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Bản đồ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. (Ảnh: vncold.vn)

Dự án này sau khi hoàn thành có thể điều tiết mực nước khoảng 1 – 1,2m để vừa chống ngập khi triều lên, vừa góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án.

Đây là công trình dân sinh được nhiều người dân mong mỏi, chờ đợi. Tuy nhiên, dự án này liên tục trễ hẹn.

Khởi công giữa năm 2016, công trình dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4/2018. Tuy nhiên, sau lần tạm dừng hồi tháng 2/2018, cuối năm 2020, dự án tiếp tục ngưng do UBND thành phố chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6/2020).

Vướng mắc chính của dự án liên quan phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Dù chưa có quy định cụ thể tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất và tiền, nhưng việc UBND TP ký hợp đồng BT với nhà đầu tư với tỷ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% tổng chi phí dự án, còn 84% thanh toán bằng tiền mặt, được cho là chưa hoàn toàn phù hợp.

Ngoài ra, Nghị định 15 quy định phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền về đầu tư công để quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước trước khi phê duyệt dự án PPP. Tuy nhiên, thời điểm đó, UBND thành phố có báo cáo và được HĐND TP.HCM chấp thuận nhưng chưa được Thủ tướng đồng ý.

Tháng 4 năm ngoái, Chính phủ ra nghị quyết tháo gỡ vướng mắc, chấp thuận cho thành phố tiếp tục thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Chính quyền thành phố được giao chịu trách nhiệm trong quá trình hoàn thành dự án đúng quy định; đồng thời thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý.

Về vốn đầu tư, Chính phủ giao UBND TP.HCM thống nhất với Ngân hàng Nhà nước cùng Ngân hàng BIDV về việc tái cấp vốn vay thực hiện dự án. Ngoài ra, thành phố chịu trách nhiệm khắc phục tối đa tồn tại pháp lý đang vướng mắc; hiệu quả chống ngập của dự án; không để tiêu cực, thất thoát…

Tuy nhiên, sau một năm được Chính phủ gỡ vướng, các công việc đến nay chưa tiến triển do phụ lục hợp đồng BT chưa được ký.

Việc dừng thi công kéo dài gây nhiều hệ luỵ, phát sinh lớn chi phí. Theo tính toán của nhà đầu tư, hơn một năm dự án tạm dừng từ giữa tháng 11/2020 đến tháng 12/2021, chi phí lãi vay, nhân công, máy móc thiết bị chờ việc, khấu hao vật tư, thuê kho bãi… đã phát sinh hơn 600 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo vào chiều ngày 24/3, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố), ông Nguyễn Huy Bình, cho biết hiện tại dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng. Tuy nhiên, thời gian qua, dự án gặp vướng liên quan đến thủ tục tái cấp vốn. TP.HCM đã yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết vướng mắc để công trình sớm hoàn thành đưa vào vận hành.

Đến nay, các thủ tục liên quan đến trung ương cơ bản đã được giải quyết. Thành phố đang cùng các nhà đầu tư tập trung triển khai các công đoạn cuối cùng.

“Dự kiến trong năm 2022, công trình sẽ cơ bản hoàn thành; đến năm 2023 sẽ hoàn tất công tác thanh quyết toán liên quan”, ông Bình nói.

Về chất lượng công trình, theo ông Bình, dự án có kéo dài hơn so với thời gian dự kiến, tuy nhiên trong quá trình tạm dừng thực hiện, những kỹ thuật đã được các đơn vị tính toán, vì vậy không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng.

Trước đó, hồi năm 2021, tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ông Đinh Thế Quý (sống ở quận 7) nói việc dự án trên tạm ngưng thi công là nỗi bức xúc của người dân.

Hầu hết người dân trong vùng bị ảnh hưởng do triều cường tại các quận 1, 4, 7, 8 và 2 huyện Nhà Bè, Bình Chánh rất mong đợi dự án. Tuy nhiên, hơn 5 năm qua kể từ ngày được khởi công, công trình vẫn chưa hoàn thành, dù vừa qua Chính phủ đã có Nghị quyết tháo gỡ khó khăn để thành phố tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù nhằm nhanh chóng hoàn thành.

Có 2 công trình lớn Quốc hội đã yêu cầu phải hoàn thành sớm. Dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông vừa qua đã đi vào hoạt động, còn dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM loay hoay mãi chưa xong. Chúng tôi hy vọng dự án sớm về đích để ngày này sang năm cử tri khu Nam TP.HCM sẽ không phải lo ngại, bất an về tình trạng nước ngập, triều cường”, ông Quý nói.

Chủ tịch UBND TP, ông Phan Văn Mãi, thừa nhận dự án kiểm soát triều là vấn đề lớn của thành phố. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ vướng mắc cho TP.HCM nhưng do phải dành nhiều thời gian cho công tác phòng dịch nên thành phố chưa tập trung cho dự án này.

Hoàng Minh