Kể từ ngày 26/7, người dân TP.HCM không ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau; tất cả hoạt động phải tạm dừng trừ trường hợp cấp cứu hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng dịch viêm phổi Vũ Hán.

covid 19 tphcm 199
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Tối 25/7, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM tổ chức hội nghị mở rộng lần thứ 7 để thảo luận về các biện pháp phòng dịch viêm phổi Vũ Hán.

Cuộc họp được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho là “cuộc họp mang tính chất lịch sử” khi số ca nhiễm tại TP.HCM những ngày qua ở mức trên 4.000 ca, ngày 24/7 là 5.396 ca.

“Đây là thời khắc trọng đại của TP.HCM sau khi trải qua những ngày thực hiện Chỉ thị 16 toàn thành phố… Tôi đề nghị tập trung thảo luận một việc cơ bản là thực hiện những giải pháp nào để kiểm soát cho được tình hình bởi thành phố chỉ còn một con đường, nếu không kiểm soát được thì tình hình sẽ khó lường…”, truyền thông nhà nước dẫn lời ông Nên cho hay.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định, hiện tình hình dịch diễn biến khó lường, có nguyên nhân từ việc không thực hiện nghiêm việc giãn cách.

Việc kiểm soát của cơ quan chức năng “ngoài chặt trong lỏng”, một số khu vực có việc người dân tiếp xúc giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người đi ra đường dù TP đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

“Việc này là hết sức nguy hiểm, là nguyên nhân dịch kéo dài, bắt buộc phải dùng các biện pháp mạnh hơn, cao hơn, có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội”, ông Phong nói trên báo Tuổi Trẻ.

Ông Phong yêu cầu “kể từ ngày 26/7, người dân tuyệt đối không ra đường sau 18h; tất cả các hoạt động bị tạm dừng tới 6h sáng hôm sau để đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại của người dân, trừ trường hợp cấp cứu theo yêu cầu phòng dịch”.

“Việc đó không đồng nghĩa là giới nghiêm”, ông Phong nói và lưu ý người dân không nên hiểu nhầm quy định này, cũng theo báo Tuổi Trẻ.

Ông Phong yêu cầu công an, quân đội, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24, tái kiểm tra thường xuyên việc chấp hành giãn cách xã hội tại khu dân cư, đường phố.

“TP.HCM sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, những trường hợp chống đối có thể áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính. Đồng thời, điều tra, khởi tố các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định làm lây lan dịch bệnh nếu có đủ yếu tố cấu thành.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tại địa phương sẽ bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng, thờ ơ, chậm giải quyết người dân dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh. Chính quyền địa phương tập trung lực lượng siết chặt khu phong tỏa ở mức “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; và cung ứng, phân phối lương thực, thực phẩm đến từng gia đình, hoặc áp dụng hình thức đi chợ thay”, báo Thanh Niên dẫn lời ông Phong.

Trước đó, tại cuộc họp báo sáng 25/7, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sau 1 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP.HCM có đặt ra 3 kịch bản ứng phó với dịch, gồm:

  • TP.HCM ngăn chặn và kiểm soát được dịch COVID-19, sẽ xem xét giảm mức độ giãn cách;
  • TP.HCM chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, khi đó phải tiếp tục Chỉ thị 16, thậm chí là tăng cường Chỉ thị 16 “cộng” ở một số khu vực;
  • Dịch gia tăng mạnh mẽ tại TP.HCM và mất kiểm soát – đây là kịch bản xấu nhất.

Ông Mãi cho rằng dù rất cố gắng nhưng TP.HCM vẫn không đạt được mục tiêu kịch bản thứ nhất và phải thực hiện kịch bản thứ 2 là tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 với các giải pháp nâng cao.

Thời gian tới, TP.HCM sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra, tuần tra, kiểm soát để thực hiện nghiêm việc giãn cách, hạn chế tối thiểu việc ra đường và tiếp xúc với nhau.

“Ngày mai 26/7, UBND TP.HCM sẽ có văn bản quy định đối tượng, nhiệm vụ, thời gian việc di chuyển ngoài đường. Cũng có thể sẽ giới hạn ở khung giờ nhất định nào đó. Ví dụ sau 18h thì những hoạt động nào không được thực hiện. Đây là những biện pháp TP.HCM sẽ triển khai thời gian tới”, ông Mãi nói.

Tính đến tối 25/7, Việt Nam ghi nhận thêm 3.552 ca mắc mới tại: TP.HCM (2.227), Bình Dương (368), Tây Ninh (186), Bà Rịa – Vũng Tàu (126), Đồng Nai (119), Phú Yên (95), Khánh Hòa (90), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78), Cần Thơ (38), Bình Phước (20), Đắk Lắk (14), Bến Tre (12), Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Trà Vinh (10), Kiên Giang (8), Ninh Thuận (7), Hậu Giang (7), Bình Định (6), Gia Lai (6), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), Nghệ An (3), Thừa Thiên Huế (2), Đắk Nông (2), Bắc Ninh (2), Lâm Đồng, Hà Nam và Thanh Hóa mỗi nơi một ca.

Trong ngày 25/7, Việt Nam ghi nhận 7.531 ca mắc mới, gồm 6 ca nhập cảnh và 7.525 ca trong nước, chủ yếu ở TP.HCM (4.555), Bình Dương (1.249), Tây Ninh (313). Trong đó có 1.516 ca cộng đồng.

Từ ngày 27/4 (đợt dịch thứ 4) đến nay, TP.HCM có hơn 55.000 ca nhiễm. Riêng trong 17 ngày thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã ghi nhận 46.800 ca nhiễm. Như vậy, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.931 ca. Các ca nhiễm được ghi nhận tại khu phong tỏa, cách ly – báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời ông Phong cho biết.

Hoàng Minh

Xem thêm:

TP.HCM: Bỏ tiếp quy định đi chợ 2 lần/tuần; shipper chở hàng không thiết yếu sẽ bị phạt