Từ nay đến 30/9, TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân ở vùng cam, vùng đỏ với tần suất 3 lần/7 ngày theo gia đình.

COVID 19 TPHCM 2000
TP.HCM ‘thần tốc’ xét nghiệm toàn dân đến 30/9, chuyên gia nói ‘không nên vì rất tốn kém’. (Ảnh: HCDC)

Ngày 17/9, Ban Chỉ đạo phòng dịch COVID-19 TP.HCM cho biết vừa có công văn khẩn số 3074 về việc tiếp tục xét nghiệm tại các khu dân cư đến ngày 30/9, trong đó yêu cầu “phải thần tốc lấy mẫu xét nghiệm”; “khuyến khích người dân tự lấy mẫu”…

Lý do, giới chức TP muốn “duy trì kiểm soát nguồn lây, phát hiện triệt để các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng”; “phấn đấu kiểm soát dịch bệnh”…

Tại các vùng cam, vùng đỏ: Lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân 3 lần/7 ngày theo gia đình với phương pháp test nhanh mẫu gộp (2-3 người/test/hộ gia đình) hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong một hộ gia đình/mẫu gộp), giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh.

Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh: Xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, vùng cận xanh và gộp 5 cho vùng vàng. Đáng chú ý, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vắc-xin , người tiếp xúc với nhiều người khác.

Nếu gia đình có từ 5 người trở lên phải lấy hai mẫu đại diện. Giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn cho toàn bộ thành viên của các gia đình trong mẫu gộp; tần suất lặp lại 5 – 7 ngày/lần.

Các chuyên gia: “Không nên xét nghiệm diện rộng, vì rất tốn kém”

Cùng ngày (17/9), tại buổi họp phương án phục hồi kinh tế TP, PGS. TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP.HCM) cho rằng việc thành phố “sống chung” với dịch là điều tất yếu, bởi nếu hết đợt COVID-19 này cũng không thể đảm bảo được tháng sau, năm sau dịch không trở lại.

“Lúc đó liệu thành phố có tiếp tục phong tỏa, truy vết, làm xét nghiệm diện rộng được nữa không?”, ông Dũng nói và đề nghị “ngành y tế thành phố không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng, truy vết vì rất tốn kém, mà phải chuyển sang xét nghiệm người nguy cơ cao, triệu chứng”, “không nên tốn quá nhiều sức lực dẫn đến kiệt quệ”.

GS. Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP.HCM, đặt câu hỏi sau khi xét nghiệm “thần tốc” trên diện rộng để tìm ra F0, biện pháp tiếp theo sẽ làm gì, xử lý thế nào đối với F0 được tìm ra? Câu hỏi này cần được trả lời, nhất là khi TP.HCM đã chuyển giai đoạn, không còn theo mục tiêu không COVID-19.

Theo GS.Tuấn, nếu xét nghiệm để bóc tách, chuyển F0 đi nơi khác để giữ khu dân cư xanh, nhưng nếu giữ vùng xanh bằng cách này thì cứ phải làm xét nghiệm hoài?

Ông Tuấn đề nghị “không cần thiết phải xét nghiệm trên diện rộng, chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19”.

GS.TS.BS. Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM cho rằng, đóng cửa, phong tỏa chỉ hợp lý khi chặn nguồn lây từ bên ngoài. Còn khi dịch ngấm sâu, lan rộng thì việc chạy theo chặn nguồn lây là việc “tưởng đúng mà lại sai”, vì càng làm, càng truy càng ra F0. Vị GS đề nghị “sống cùng” với COVID-19.

“Không thể không mở cửa nền kinh tế”

Ông Vũ Thành Tự Anh – giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng hiện “không thể nói mở hay không mở cửa”, mà phải nói rằng “không thể không mở cửa”. Theo ông Tự Anh, nếu nhìn vào bài toán kinh tế, phân tích lợi ích, chi phí, phân bổ nguồn lực thì việc “TP xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân là rất tốn kém”.

Bên cạnh đó, hệ lụy đối với GDP của TP không chỉ năm nay mà còn những năm tới, cái giá phải trả về kinh tế lớn. Đối với doanh nghiệp, ông Tự Anh nhận định doanh nghiệp bây giờ kiệt quệ, nếu không cứu thì sau này cứu cũng không kịp nữa. Tương tự, sau 3,5 tháng dịch, người dân nghèo cũng đang kiệt quệ.

Đặc biệt, ngân sách TP, ngân sách trung ương đang gặp khó khăn. Theo ông Tự Anh, đứng từ góc độ người dân TP, doanh nghiệp, ngân sách TP… thì chi phí phòng dịch quá lớn và không thể không mở cửa.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng nói: “Việc mở cửa cần tính toán ưu tiên các hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Nếu doanh nghiệp phát hiện ca nhiễm, biện pháp xử lý chỉ liên quan ca mắc đó thay vì bắt đóng cửa, dừng hoạt động tất cả”.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, dù có nhiều góc nhìn khác nhau nhưng các chuyên gia đã có quan điểm là sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương rất nhiều, cần được phục hồi sớm.

Ông Nên cho rằng cũng đã đến lúc chúng ta phải có sự chuẩn bị về thói quen, tinh thần và cả những điều kiện cần thiết để sống trong môi trường mới có chủng virus Delta.

“Đến lúc TP phải tính đến mức độ giãn cách đảm bảo độ an toàn. TP không thể không mở cửa lúc này”, ông Nên nói.

TP.HCM đã phải trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ để phòng dịch lây lan, trong đó có 24 ngày siết chặt giãn cách theo nguyên tắc “ai ở đâu yên đó”.

Giới chức TP trước đó dự kiến đến ngày 15/9 sẽ kiểm soát được dịch, nhưng kế hoạch này không thực hiện được.

Sau đó, giới chức TP quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16/9 đến ngày 30/9.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, tính đến 6h ngày 17/9, TP ghi nhận 321.358 ca COVID-19, trong đó có 320.882 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 476 trường hợp nhập cảnh.

TP hiện đang điều trị 41.297 bệnh nhân, trong đó có 2.967 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.544 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 16/9 có 2.570 bệnh nhân xuất viện, tổng số bệnh nhân xuất viện tính từ 1/1 đến nay là 161.007 bệnh nhân . Có 160 trường hợp tử vong trong ngày.

Tính đến ngày 15/9, thành phố đã tiêm 8.563.254 mũi tiêm, trong đó có 6.692.795 mũi 1 và 1.870.459 mũi 2.

Tính từ 27/4 đến ngày 16/9 số mẫu xét nghiệm PCR đã lấy là 1.980.495 mẫu, xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 9.545.804 test. Từ 18h ngày 15/9 đến 18h ngày 16/9 đã xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại vùng cam, vùng đỏ là 327.206 người, có 3.536 người có kết quả dương tính (tỉ lệ dương tính là 1,1%).

Hoàng Minh

Xem thêm:

TP.HCM tiếp tục giãn cách đến 30/9; người dân quận 7, Củ Chi, Cần Giờ đi chợ một lần mỗi tuần