Truyền thông trong nước đưa tin từ 8h giờ sáng nay, 8/3, Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu đợt tiêm chủng lớn để ngừa bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), sử dụng vắc-xin của hãng dược phẩm AstraZeneca. Khoảng hơn 1.100 người tại hai bệnh viện điều trị người mắc COVID-19 ở TP.HCM và Hà Nội và hai điểm tiêm tại vùng dịch Hải Dương được chọn để tiêm trong đợt đầu tiên.

vac xin astrazeneca 2
Lô vắc-xin AstraZeneca 117.600 liều được Việt Nam nhập ngày 24/2 sẽ chính thức được sử dụng kể từ ngày 8/3. (Ảnh minh họa: Giovanni Cancemi/Shutterstock)

4 cơ sở y tế được Việt Nam chọn để bắt đầu đợt tiêm chủng gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương và Trung tâm y tế H.Kim Thành (Hải Dương), báo Thanh Niên đưa tin.

Tất cả đều sử dụng lô vắc-xin AstraZeneca, được nhập về Việt Nam hôm 24/2.

Trong đó, về phía Nam, khoảng hơn 900 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM (TP.HCM) được chọn để tiêm loại vắc-xin này, bắt đầu từ sáng 8/3 và kéo dài trong một tuần. Hơn 900 người thuộc 7 nhóm, gồm nhân viên y tế của Khoa Nhiễm D, Khoa Cấp cứu, Khoa Khám bệnh, Phòng Công tác xã hội, Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng ban giám đốc bệnh viện.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là nơi tiếp nhận điều trị người nghi nhiễm, bệnh nhân COVID-19 nặng và nghiên cứu về virus Vũ Hán (nCoV).

Phía Bắc, 100 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (huyện Đông Anh, Hà Nội) sẽ tiêm vắc-xin này. Theo tin từ Vnexpress, 100 y bác sĩ trên công tác tại 20 khoa phòng và có nguy cơ nhiễm nCoV cao nhất.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 là cơ sở y tế tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 lớn ở khu vực phía Bắc.

Tại Hải Dương, Trung tâm Y tế TP Hải Dương sẽ tiêm vắc-xin AstraZeneca cho 50 người và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tiêm cho 30 người, trang Sức khỏe & Đời sống – cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế cho hay.

Các bản tin của Tuổi Trẻ, Sức khỏe & Đời sống không nói rõ 80 người đầu tiên tiêm tại Hải Dương thuộc nhóm nào. Trước đó, danh sách người được chọn ra để tiêm đợt đầu gồm các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị, tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19, nhóm người đi truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.

Ngày 5/3, Cổng thông tin Chính phủ dẫn tin từ cuộc họp vào sáng cùng ngày của đại diện Chính phủ và Bộ Y tế, các chuyên gia về tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán trong nước và quốc tế.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết những số liệu trên thế giới cho thấy tình hình dịch bệnh được cải thiện do 4 yếu tố: Chu kỳ lây nhiễm của virus, cách ứng xử của các nước, miễn dịch trong cộng đồng, cuối cùng là tiêm vắc-xin.

Trong đó, 2 yếu tố được ông Phu nhấn mạnh là đặc tính lây nhiễm của virus và cách ứng xử của các nước. “Trong đó yếu tố ứng xử của các nước rất quan trọng, nhất là khi xuất hiện nhiều biến thể mới của virus nCoV lây lan nhanh hơn” – theo ông Phu.

Đối với đợt tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trên diện rộng sẽ tiến hành 3 ngày sau đó, ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý.

Hai lý do chính được ông Đam đưa ra, rằng:

“Thứ nhất, trước đây chúng ta tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng cho trẻ em, một đợt chỉ mấy triệu liều mà cũng đã có lúc xảy ra sự cố, bây giờ chúng ta triển khai đến cuối năm nếu có vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ tiêm hàng chục triệu liều. Kể cả vắc-xin đã ổn định rồi cũng không tránh khỏi những sơ suất và những sơ suất đấy nếu không chuẩn bị kỹ sẽ biến thành sự cố lớn.

Thứ hai, tất cả những loại vắc-xin trước đây tiêm ở Việt Nam đều là những vắc-xin được phát triển theo quy trình lúc bình thường với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại lên đến 12 năm. Trong khi đó, những vắc-xin ngừa COVID-19 được nghiên cứu, phát triển theo trong tình hình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy”.

Do đó, “phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn”, ông Đam yêu cầu.

Trước đó, ngày 3 và 4/3, đợt tiêm chủng diện rộng bắt đầu từ ngày 26/2 của Hàn Quốc xảy ra tình huống bất lợi khi 5 người tử vong sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca (nhóm người tiêm vắc-xin Pfizer chưa ghi nhận có trường hợp tử vong sau khi tiêm).

Khi hai ca tử vong đầu tiên vào ngày 3/3 được báo cáo, bà Jeong Eun-kyeong, giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết: “KDCA đang tiến hành các cuộc điều tra dịch tễ học với chính quyền địa phương… để xác nhận bất kỳ mối liên hệ nào với việc tiêm chủng”.

AstraZeneca cho biết hãng đã biết về cuộc điều tra của KDCA, nhưng hãng cũng lưu ý rằng tính an toàn của vắc-xin đã được nghiên cứu sâu rộng trong các thử nghiệm lâm sàng và dữ liệu cho thấy loại vắc-xin do hãng sản xuất nhìn chung được dung nạp tốt, Reuters cho hay.

Gần nhất, ngày 7/3, Văn phòng Liên bang về An toàn trong Chăm sóc Sức khỏe (BASG) của Áo nhận thông tin hai phụ nữ (cùng là y tá) xảy ra vấn đề về sức khỏe sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca. Một phụ nữ 49 tuổi tử vong do chứng rối loạn đông máu nghiêm trọng, trong khi một phụ nữ 35 tuổi bị thuyên tắc phổi và đang hồi phục; thuyên tắc phổi là một bệnh phổi cấp tính gây ra bởi một cục máu đông, The Epoch Times đưa tin.

Vẫn theo báo này, BASG cho hay rằng tình trạng đông máu không phải là một trong số các tác dụng phụ được biết đến của vắc-xin này, và cho biết đang tiến hành cuộc điều tra nhằm loại trừ hoàn toàn mọi khả năng liên quan có thể có, trong khi hoãn phát hành hoặc tiêm chủng phần còn lại của lô vắc-xin bị ảnh hưởng “như một biện pháp phòng ngừa”.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Tỷ lệ tử vong tăng lên 56% trong giai đoạn đầu của đại dịch ở Vũ Hán?