Mức cho vay tối đa đối với mỗi học sinh, sinh viên được điều chỉnh từ 1,25 triệu đồng/tháng (năm 2016) lên 1,5 triệu đồng/tháng (năm 2017).

15/6 tang von vay hoc sinh sinh vien 1,5 trieu
Từ ngày 15/6, tăng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên. (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn)

Thủ tướng vừa ký Quyết định số 751 điều chỉnh mức cho vay quy định đối với học sinh, sinh viên tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007. Theo đó, mức cho vay tối đa được điều chỉnh là 1,5 triệu đồng/tháng.

Theo quyết định mới, mức cho vay tối đa đối với mỗi học sinh, sinh viên tăng thêm 250.000 đồng/tháng so với mức cũ (1,25 triệu đồng/tháng) đã áp dụng trước đó (ngày 9/1/2016).

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cân đối, bố trí cấp đủ nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định.

Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay, giám sát, thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quyết định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2017, áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ khi có hiệu lực thi hành.

Theo Quyết định 157 có hiệu lực từ ngày 1/10/2007, đối tượng được vay nợ là  học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; gia đình thuộc hộ nghèo; gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo theo quy định pháp luật; hoặc học sinh gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có giấy xác nhận của UBND xã, phường thị trấn.

Về điều kiện để vay vốn, đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường. Đối với học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính về các hành vi như cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.

Thời hạn phát tiền vay tính từ ngày nhận tiền vay đầu tiên cho đến ngày học sinh, sinh viên kết thúc khoá học, kể cả thời gian học sinh, sinh viên được các trường cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có) và được chia thành các kỳ hạn phát tiền vay do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định hoặc thoả thuận với người được vay vốn.

Thời hạn trả nợ tính từ ngày được vay vốn trả tiền nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi). Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá một năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay, đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Thời hạn trả nợ được chia thành các kỳ hạn trả nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.

Theo Bộ GD&ĐT, tính đến năm 2016, cả nước có khoảng 22,5 triệu học sinh, sinh viên, trong đó 4,6 triệu trẻ mầm non; gần 7,8 triệu học sinh tiểu học; 5 triệu học sinh trung học cơ sở; 2,4 triệu học sinh trung học phổ thông; 315.000 học sinh trung học chuyên nghiệp; 2,2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng.

Cũng tính đến năm 2016, doanh số cho vay đạt khoảng 55.000 tỷ đồng với trên 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn. Vào thời điểm cao nhất của chương trình, đã có 2,1 triệu hộ vay vốn cho 2,3 triệu học sinh, sinh viên.

Hoàng Minh

Xem thêm: