Việt Nam sẽ nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

tiem vaccine tre em
Việt Nam sẽ nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Ngày 17/3, Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Vũ Đức Đam ký ban hành Nghị quyết số 38 về chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, chương trình thực hiện trong thời gian 2 năm (từ năm 2022 – 2023). Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung.

Theo nội dung Nghị quyết, ngoài các yêu cầu vẫn thường đưa ra như “mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp”, “vừa chống dịch vừa ổn định đời sống người dân”, “yêu cầu nâng cao năng lực hệ thống y tế”… Chính phủ Việt Nam còn đặt mục tiêu đến hết quý I hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ những người chống chỉ định tiêm; bảo đảm đủ vắc-xin và hoàn thành tiêm cho trẻ em 5-12 tuổi trước tháng 9/2022.

Đáng chú ý, Chính phủ Việt Nam cho biết sẽ nghiên cứu, căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp, chống COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm nhóm A là những bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Trong khi đó, nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Trước đó hồi tháng 2/2020, Thủ tướng Việt Nam công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của COVID-19 tại Việt Nam, đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch là “bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu”, lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Theo Bộ Y tế Việt Nam, ngày 17/3 ghi nhận 178.109 ca trong nước và Vĩnh Phúc, Hải Dương đăng ký bổ sung 180.853 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, cả nước có 7.174.423 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 72.595 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 7.166.780 ca.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (916.456), TP. Hồ Chí Minh (577.598), Bình Dương (353.583), Nghệ An (315.448), Bắc Ninh (247.391).

Trên thế giới, tổng số ca là 464.638.124. Trong ngày, số ca nhiễm của thế giới tăng 2.411.585 ca, tử vong tăng 7.546 ca.

Trong đó, Châu Âu tăng 874.728 ca; Bắc Mỹ tăng 61.767 ca; Nam Mỹ tăng 66.649 ca; châu Á tăng 1.331.435 ca; châu Phi tăng 4.427 ca; châu Đại Dương tăng 72.579 ca.

Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 78.835 ca, trong đó: Indonesia tăng 11.532 ca, Malaysia tăng 28.298 ca, Philippines tăng 776 ca, Thái Lan tăng 25.456 ca, Singapore tăng 11.278 ca, Myanmar tăng 489 ca, Lào tăng 874 ca, Campuchia tăng 132 ca.

Minh Long