Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp tại phiên họp đã đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án, nên đã đề nghị xem lại giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

vụ Hồ Duy Hải, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
Hình ảnh 17 thẩm phán giơ tay biểu quyết y án tử tù Hồ Duy Hải. (Ảnh chụp màn hình).

Truyền thông trong nước hôm 16/6 cùng đồng loạt đưa tin về việc Ủy ban Tư pháp họp xem xét về quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải.

Phiên họp của Ủy ban Tư pháp diễn ra sau khi có kiến nghị của gia đình Hồ Duy Hải, của các Đại biểu Quốc hội, gồm: ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa và Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. Đặc biệt, đoàn Đà Nẵng kiến nghị mở phiên họp toàn thể, theo báo Pháp luật TP.HCM.

Báo Thanh niên dẫn lại từ một nguồn tin cho biết phiên họp toàn thể lần này là phiên họp “nội bộ”, không mời báo chí. Các thành viên Ủy ban Tư pháp sẽ xem xét từ tất cả quá trình điều tra, truy tố xét xử từ sơ đến phúc, nhưng đặc biệt xem xét quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Ủy ban Tư pháp xem xét quyết định giám đốc thẩm về tính đúng đắn của quyết định giám đốc thẩm, tính phù hợp pháp luật của quyết định này, đồng thời cho biết phiên họp không có sự tham gia của các cơ quan tố tụng.

Theo báo Tuổi trẻ, đa số thành viên Ủy ban Tư pháp tại phiên họp đã đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.

Do đó, các thành viên này kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo đúng thẩm quyền tại điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Sau cuộc họp, Ủy ban Tư pháp sẽ có báo cáo quan điểm của ủy ban về toàn bộ vụ án, bởi ủy ban là cơ quan chuyên môn, không thể không có quan điểm.

Hôm 15/6, khi giải trình về “chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội là gì?” tại phiên làm việc của Quốc hội, ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án TAND Tối cao có nói: “sau khi khám nghiệm hiện trường, 3 người dân phòng vào dọn thì con dao rơi xuống từ sau tấm bảng, người ta sơ suất nên đã vứt con dao ấy đi”.

Ngay lập tức, phát ngôn này nhận được nhiều ý kiến khác nhau, phần lớn là không đồng tình.

Yensnhi Vu viết: “Chỉ một sơ xuất nhỏ cũng làm thay đổi bản chất vụ án. Con dao là vật chứng quan trọng, cái thớt cũng vậy. Trên đó chứa thông tin tội phạm, nó là phương tiện gây án. Người điều tra quá hiểu tầm quan trọng của nó nên vứt đi là thượng sách?!!!”.

Lam Nguyen: “Dao, thớt là vật chứng thì vứt đi. Còn tiền, vàng, đồ trang sức của em gái nghi phạm thì lại niêm phong, giữ để làm bằng chứng!!!”.

Van Pham: “Không và không được bao biện, nên nhận lỗi và giáo dục lại cho các điều tra viên. Không được bỏ hay xoá hay tiêu hủy hay xoá dấu vết hiện trường bằng bất kỳ hình thức nào (chi tiết đến từng sợi tóc, từng dấu vết móng tay… từng cái mạng nhện…) điều này chắc chắn là họ đã được học. Nếu bỏ qua hoặc để bị sai lệch… đều là do cố tình, có chủ đích. Đừng bao biện nữa, càng muốn bịt thì càng bị hở…”.

Long Nguyen Thanh: “Trình độ điều tra gì? Vứt dao đi rồi lại bảo là sơ xuất. Trong khi Luật quy định giữ nguyên hiện trường, thu thập tất cả vật chứng có liên quan, không được phép tự ý hủy bỏ. Vậy ông có học Luật không nhỉ hay là mua bằng từ thời xưa vậy…”.

Suny Seven: “Vô lý thiếu trách nhiệm. Trọng án mà nói như trẻ con”.

… và còn nhiều ý kiến khác nữa.

Cũng trong hôm 15/6, người phát ngôn Bộ Công an là ông Tô Ân Xô tiếp tục khẳng định: “Không có việc mua dao, thớt đưa vào hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải”, lại khiến dư luận thêm bức xúc, cho rằng “càng nói càng thấy nhiều những cái sai”, theo tài khoản Kim Yen Nguyen.

Phạm Toàn