Tuyến cáp treo Hương Bình nối ba khu tâm linh chùa Hương – chùa Tiên – Tam Chúc có kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất dự án khoảng 35ha.

chua tien
Khu vực chùa Tiên Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình. (Ảnh: baohoabinh.com.vn)

Bộ KH&ĐT vừa trình Thủ tướng kết quả thẩm định dự án cáp treo Hương Bình kết nối ba khu tâm linh chùa Hương (Hà Nội) – chùa Tiên (Hòa Bình) – Tam Chúc (Hà Nam), do Công ty TNHH một thành viên Thái Bình (công ty Thái Bình) xây dựng.

Tuyến cáp treo Hương Bình có chiều dài khoảng 3km, được đầu tư tại xã Phú Nghĩa (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), và xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Tuyến cáp treo này dài khoảng 3km, chiều dài cáp phía Hà Nội 1,5km, phía Hòa Bình 1,5km.

Quy mô sử dụng đất dự án xây dựng cáp treo khoảng 35ha (Hòa Bình 17,1ha và Hà Nội là 27,9ha), trong đó đất rừng 13,61 ha, đất trồng cây lâu năm 0,11 ha, đất trồng lúa 0,83 ha, đất giao thông 0,36 ha, đất mặt nước 2,06 ha…

Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.700 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư khoảng 258 tỷ đồng, vốn vay từ các tổ chức tín dụng trên 1.460 tỷ đồng.

chua huong
Khu vực chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. (Ảnh: hanoitv.vn)

Theo công ty Thái Bình, tuyến cáp treo sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa chùa Hương (Hà Nội), chùa Tiên (Hòa Bình), từ 45km xuống còn 3km (khoảng 60 phút di chuyển ô tô xuống 10 phút).

Cũng theo phía công ty, dự án này sẽ tạo thuận lợi cho khoảng 1,5 triệu du khách tham gia lễ hội chùa Hương, chùa Tam Chúc hằng năm tới tham quan quần thể di tích danh thắng chùa Tiên, góp phần quảng bá hình ảnh và những giá trị lịch sử đến du khách trong và ngoài nước.

chua tam chuc
Chùa Tam Chúc tỉnh Hà Nam. (Ảnh: vtr.org.vn)

Liên quan đến dự án, năm 2021, trong văn bản gửi Bộ KH&ĐT về việc cho ý kiến thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư tuyến cáp treo Hương Bình, Bộ Xây dựng cho rằng dự án tuyến cáp treo Hương Bình nằm một phần trong khu di tích và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Do đó, khi nghiên cứu dự án nằm trong khu di tích và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn phải căn cứ vào các quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009 và các quy định khác có liên quan, phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình và UBND TP. Hà Nội tổ chức thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình bảo đảm tuân thủ quy định hiện hành.

Cũng theo Bộ Xây dựng, việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư xây dựng của dự án cần được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Xây dựng.

Ngoài ra chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP.

Hồi tháng 1/2021, tuyến cáp treo Hương Bình đã được Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội phê duyệt đồ án quy hoạch. UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Hòa Bình cũng đồng ý cho xây dựng tuyến cáp treo này từ năm 2014.

Cap Treo chua huong
Hệ thống cáp treo tại chùa Hương. (Ảnh: hanoitv.vn)

Trước đó, năm 2006, hệ thống cáp treo đầu tiên tại chùa Hương được hoàn thiện, đưa vào hoạt động, đi qua 3 nhà ga: Thiên Trù, Giải Oan và Hương Tích.

Tuyến cáp treo này dài 1,2km, có 45 cabin, 7 trụ cột, mỗi giờ vận chuyển khoảng 1.500 hành khách tham quan di tích, với giá vé khoảng 120.000 đồng/lượt.

Minh Long