Sau khi hoàn thành tượng đài N’Trang Lơng 67 tỷ đồng, chính quyền tỉnh Đắk Nông vừa duyệt chi thêm gần 90 tỷ đồng để làm sân và đường dẫn lên tượng đài. Dự án được phê duyệt năm 2015, với tổng kinh phí tương đương gần 10% tổng thu ngân sách trong năm. 

tuong dai dak nong 1
Phần tượng N’Trang Lơng cao 13 m, phù điêu cao 5,5 m, chiều dài đế của cụm tượng đài là 27 m. Ảnh do du khách đăng trên mạng xã hội vào tháng 11/2020. (Ảnh: VP Bđs Trọng Nghĩa/Facebook)

Theo Dân Trí ngày 11/1, một lãnh đạo Ban Quản lý các công trình giao thông dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Nông xác nhận chính quyền tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư khoảng 77 tỷ đồng để làm đường giao thông dẫn lên tượng đài N’Trang Lơng, con đường dài 2km.

Trước khi cấp vốn làm đường, hơn 9 tỷ đồng được tỉnh đầu tư trước để thực hiện hạng mục hạ tầng kỹ thuật xung quanh tượng đài bao gồm sân hành lễ, đường xe cơ giới, bãi để xe, nhà vệ sinh…

Theo đó, khoảng 86 tỷ đồng sẽ được giới chức tỉnh này duyệt chi cho công trình tượng đài N’Trang Lơng, nâng tổng vốn duyệt chi cho công trình lên 153,7 tỷ đồng. Hồi tháng 12/2020, giai đoạn 1 của công trình được hoàn tất với tổng kinh phí 67,7 tỷ đồng, chi làm phần móng, hệ thống chống sét, tượng mỹ thuật, trong đó, riêng phần tượng và phù điêu 47 tỷ đồng.

Công trình Tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng được chính quyền tỉnh Đắk Nông chọn mẫu thiết kế từ năm 2012, khởi công xây dựng vào tháng 5/2015, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư. Tổng diện tích xây dựng 5,9 ha trên đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức (TP Gia Nghĩa).

Tại thời điểm khởi công, công trình được công bố có tổng kinh phí 146 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Nguồn tiền từ đóng góp của người dân trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp, ngân sách địa phương và Trung ương.

Chậm tiến độ, tổng vốn của công trình được công bố tăng lên 167 tỷ đồng. Khoảng tháng 11/2020, công trình mới hoàn thành giai đoạn 1, chưa làm khuôn viên và các hạng mục phụ trợ. Xung quanh tượng là đồi đất trống, đường đi lên khu tượng đài cũng là đường đất.

Vốn đầu tư công trình ngay từ đầu đã thiếu. Năm 2015, đại diện chủ đầu tư – ông Phan Công Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết khi khởi công, trong 67 tỷ đồng cho giai đoạn 1, chỉ mới có 29,3 tỷ đồng. Trong đó, 7 tỷ đồng do ngân sách của tỉnh cấp (kế hoạch là 12 tỷ đồng); 4,3 tỷ đồng trích từ nguồn quỹ nhân kỷ niệm 100 năm phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng và phối hợp với Công ty tổ chức sự kiện Đất Võ vận động được từ các tỉnh bạn; 10 tỷ đồng trích từ nguồn kinh phí dự phòng của quốc lộ 14 (dự án BOT); 8 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ; còn các hộ dân có đất, hoa màu tại khu vực thi công thì bàn giao mặt bằng…

Ông Việt thừa nhận khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công là về nguồn kinh phí.

Cần chú ý, năm 2015, tổng số thu ngân sách nhà nước của tỉnh Đắk Nông chỉ hơn 1.524 tỷ đồng, nhưng chi tới hơn 5.860 tỷ đồng. Dự án tượng đài N’Trang Lơng với tổng kinh phí phê duyệt là 146 tỷ đồng, tương đương gần 10% tổng thu ngân sách trong năm.

Tới năm 2019, tổng số thu ngân sách nhà nước của tỉnh này tăng lên 2.665 tỷ đồng, song vẫn trong nhóm 10 tỉnh có số thu ngân sách thấp nhất cả nước, đứng thứ 57/63 tỉnh, thành phố. Cũng tính tới năm 2019, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 17.128 hộ, chiếm 10,52% trên tổng số hộ toàn tỉnh; trong đó, tỷ lệ  hộ nghèo của người thiểu số là 24,15%.

Theo mức giá 50 triệu đồng/căn nhà tình nghĩa do Công ty Điện lực Đắk Nông vừa công bố trao tặng hồi tháng 9/2020, công trình tượng đài 167 tỷ đồng có giá trị tương đương với hơn 3.300 căn nhà để trợ giúp cho người nghèo trong tỉnh.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

Kinh phí eo hẹp, nhiều sai phạm, Đắk Nông vẫn quyết làm tượng đài hơn 167 tỷ đồng