Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết “không có lý do gì phải thay đổi” vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy. “Nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. Cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn“, lãnh đạo Bộ GTVT nói.

BOT cai lay
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời tại buổi họp báo.

Tại cuộc họp báo của Bộ GTVT diễn ra vào chiều 17/8, trong khoảng một giờ có tới khoảng 30 câu hỏi được báo giới đặt ra xung quanh việc vì sao đặt trạm thu phí Cai Lậy trên Quốc lộ 1 mà không đặt ở đường tránh – đường đầu tư BOT trong khi Quốc lộ 1 chỉ là hạng mục “tăng cường”.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết vị trí đặt trạm đã được nghiên cứu kỹ, căn cứ vào phương án tài chính được chủ đầu tư lập, có lấy ý kiến của Bộ Tài chính, HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Theo ông Đông, Luật Đầu tư và Nghị định 108 phạm vi áp dụng dự án BOT đều có cải tạo, nâng cấp hiện đại hóa những tuyến đường hiện có. Việc bảo trì đường bộ hàng năm chỉ vá, sửa chữa chứ không nâng cấp cải tạo được. Dự án Cai Lậy có hợp phần nâng cấp cải tạo mặt đường trên quốc lộ 1, và làm tuyến tránh Cai Lậy. Trạm thu phí nằm trên phạm vi của dự án nên không tính đến chuyển vị trí trạm.

Ông Đông khẳng định hạng mục tăng cường mặt đường quốc lộ 1 được nâng cấp “đúng nghĩa là thảm mặt đường, xây dựng cầu chứ không chỉ vá lại đường“.

Nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. Cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn“, lãnh đạo Bộ GTVT nói đồng thời cho hay dự án thực hiện trên cơ sở tính toán hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Người cấp vốn (ngân hàng) cũng phải dựa trên phương án tài chính thì mới dám cấp.

Hiện Bộ đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ rà soát tất các trạm BOT để điều chỉnh như mức phí, thời gian… Nhà nước bỏ tiền ra mua lại trạm Cai Lậy chắc không có, chúng tôi đang nợ nhiều lắm, ứng rồi nhưng giờ chưa trả”, ông Đông cho hay.

bot cai lay
Các lái xe phản ứng từ ngày đầu mở trạm (1/8) khi cho rằng xe không đi qua đường tránh nhưng vẫn bị thu phí do trạm được đặt trên QL1. Trong hình, đường tránh thị xã Cai Lậy dài 12 km (màu đỏ), đường QL 1 (màu tím), trạm thu phí BOT (sao).(Hình ảnh: Google Maps)
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết đối với kế hoạch trung hạn 2016 – 2020, vốn cho ngành giao thông chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, 70% thì chỉ kỳ vọng vào tư nhân. Năm nay ngân sách nhà nước dành cho giao thông 39.000 tỷ đồng, trong đó phải hoàn trả các năm trước 20.000 tỷ đồng.

Việc Nhà nước bỏ tiền ra mua lại các trạm BOT thì chắc không có“, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết thông tin.

Trước câu hỏi về trách nhiệm của Bộ GTVT đối với những bất cập tại dự án BOT, ông Đông cho biết hiện Bộ đang xử lý, không thể xử lý bằng quyết định hành chính vì ký hợp đồng với các bên; “sai đến đâu xử lý đến đó, thậm chí nếu sai phải xử lý hình sự thì sẽ xử lý, nhưng hiện tại chưa phát hiện sai phạm gì“.

Trước đó, ngày 16/8, Bộ GTVT và các bên liên quan đã quyết định giảm phí BOT Cai Lậy (từ ngày 21/8), mức thấp nhất giảm từ 35.000 đồng/lượt xuống 25.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, nhiều người dân không đồng thuận. Mọi người cho hay lý do họ phản ứng không phải vì mức phí mà vì vị trí trạm hiện nay.

Chủ BOT Cai Lậy: Trả dự án nếu dời trạm vào đường tránh

Trao đổi bên lề cuộc họp báo, ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết trước đây, tỉnh Tiền Giang có chủ trương đầu tư tuyến tránh Cai Lậy nhưng không thu xếp được vốn. Dự án được Bộ GTVT kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Tuy nhiên, nếu chỉ có làm tuyến tránh Cai Lậy thì phương án tài chính không đảm bảo vì vậy dự án đã được các cấp xem xét thông qua đầu tư 12km tuyến tránh và nâng cấp 26,5km Quốc lộ 1.

Ông Hào cho hay chủ đầu tư chỉ có hơn 16% vốn, còn lại là tiền của các tổ chức tín dụng với tiền lãi trả hàng tháng. Hiện doanh nghiệp phải trả lãi nên rất khó khăn. Nếu Bộ GTVT di dời trạm, doanh nghiệp sẽ yêu cầu trả lại số vốn đã bỏ ra.

Đại diện BOT Tiền Giang cho biết giá phí từ 35.000 – 180.000 đồng/vé lượt là do UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất, dựa trên các trạm thu phí ở Sóc Trăng.

Vĩnh Long