Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường liên tiếp vắng mặt tại các phiên tòa xét xử vụ án mua bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma (VN Pharma), dù có yêu cầu triệu tập của tòa án. 

Vn Pharma
Phiên xét xử vụ án Vn Pharma vào sáng 24/9, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (trái) và bị cáo Võ Mạnh Cường. (Ảnh chụp màn hình/vnexpress.net)

Ngày 24/9, TAND TP. HCM mở phiên tòa xét xử các bị cáo trong đường dây mua bán thuốc ung thư giả xảy ra tại VN Pharma.

Đây là phiên tòa sơ thẩm lần 2. Trước đó, bản án sơ thẩm cũng do TAND TP.HCM xử và tuyên đã bị TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy.

Tại phiên tòa lần này, hội đồng xét xử đã triệu tập gần 200 người tham gia tố tụng, gồm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, thành viên Hội đồng Giám định Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Trong đó, có Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục quản lý dược Trương Quốc Cường.

Tại thời điểm xảy ra vụ án, ông Cường là Cục trưởng Cục quản lý dược. Ông Cường là người ký công văn ngày 20/12/2013 đồng ý cho Công ty VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Capllet.

Tuy nhiên, trong phiên xử diễn ra vào sáng 24/9, trong số 9 thành viên trong Hội đồng Giám định Bộ Y tế được triệu tập, chỉ có 6 người đến tòa. 3 người vắng mặt và ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, trong đó có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.

Theo lịch công tác tuần của Bộ Y tế, ngày 24/9 – trùng với lịch diễn ra phiên tòa -, Thứ trưởng Trương Quốc Cường có lịch làm việc cả ngày tại tỉnh Lạng Sơn với UBND tỉnh Lạng Sơn và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác Quản lý xuất nhập khẩu dược liệu tại cửa khẩu.

Đây không phải lần đầu tiên ông Cường không đến phiên tòa xét xử vụ án VN Pharma. Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm lần 1 diễn ra vào cuối tháng 8/2017, dù được tòa triệu tập nhưng ông Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Bộ Y Tế kiêm Cục trưởng Cục Quản lý dược – và một số người có trách nhiệm tại bộ này đã vắng mặt.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 26/10/2017, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định giấy mời của TAND TP.HCM không mời đích danh Thứ trưởng Trương Quốc Cường đến tham dự phiên tòa.

Không đến theo giấy triệu tập của Tòa án – Có thể bị dẫn giải

Theo một luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ tố tụng (bắt buộc). Cụ thể với một số trường hợp:

Đối với bị cáo, phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.

Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.

Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận; Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử. (Điều 290)

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình. (Khoản 3 Điều 65)

Nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử;

Trường hợp xét thấy sự vắng mặt của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chỉ trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật. (Điều 292)

Người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó. (Khoản 4 Điều 66)

Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Trường hợp người làm chứng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải. (Điều 293)

Nguyễn Quân

Xem thêm: