Thủ tướng Chính phủ Việt Nam – ông Phạm Minh Chính vừa phát động “chiến dịch tiêm chủng vắc-xin thần tốc mùa xuân 2022”, dự kiến từ ngày 1/2 (tức mùng 1 Tết) đến ngày 28/2, nghiên cứu việc tiêm vắc-xin mũi thứ 4, tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Công bố được đưa ra khi tỷ lệ tử vong do COVID-19 của Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới. 

tiem vac xin tre em
Một điểm tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi tại Quận 3, TP.HCM, tháng 10/2021. (Ảnh: HCDC)

Phát biểu kết luận hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022, ông Chính nhấn mạnh vào kết quả của chiến lược vắc-xin COVID-19 mà Chính phủ đã tiến hành, gồm “thành lập quỹ vắc-xin, thúc đẩy ngoại giao vắc-xin, bằng mọi biện pháp có thể (mua, vay, mượn…) để đưa vắc-xin về nước, phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay”.

Theo số liệu công bố tại cuộc họp, giới hữu trách nhấn mạnh từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin rất thấp, ở thời điểm đợt dịch thứ tư bùng phát, ngày 27/4 mới có 320.000 liều vắc-xin được tiêm, đến nay Việt Nam là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin cao nhất trên thế giới. Theo số liệu mới nhất, gần 100% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 1 mũi, 95% người tiêm 2 mũi; 92% trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm 1 mũi, 76% trẻ tiêm 2 mũi. Việc bao phủ vắc-xin được cho là làm giảm số ca nhiễm mới, chuyển nặng và tử vong, đặc biệt tại TP.HCM.

Từ đó, ông Chính yêu cầu “tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh, thần tốc, thần tốc hơn nữa về tốc độ bao phủ vắc-xin bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế”. Trong đó, trách nhiệm đảm bảo đủ vắc-xin được quy cho Bộ trưởng Bộ Y tế, còn trách nhiệm tiêm phủ vắc-xin được quy cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Ông Chính yêu cầu nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, nhanh chóng nghiên cứu việc tiêm vắc-xin COVID-19 với trẻ em từ 5 tuổi, sớm mở cửa trường học.

Tại cuộc họp trên, ông Chính công bố phát động “chiến dịch tiêm chủng vắc-xin thần tốc mùa xuân 2022” (từ ngày 1/2 đến ngày 28/2) để đạt mục tiêu đã đề ra.

Cùng tại cuộc họp ngày 20/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong 2 năm qua, có trên 3.000 y bác sĩ mắc COVID-19, hơn 10 người tử vong. Trong cao điểm đợt dịch thứ tư, bắt đầu từ ngày 27/4/2021, tổng số y bác sĩ được huy động từ các tỉnh thành để hỗ trợ cho khu vực phía Nam là hơn 20.000 người.

Dù  số mắc COVID-19 mới mỗi ngày tại “tâm dịch” TP.HCM chỉ còn trên 200 ca, giảm nhiều chục lần so với thời gian cao điểm, số ca tử vong hằng ngày đã giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 10 ca/ngày, ông Long cho biết năm 2022 dịch COVID-19 được nhận định là chưa kiểm soát được hoàn toàn, thời điểm này mỗi ngày vẫn có trên 15.000 ca COVID-19 và trên dưới 150 ca tử vong. Trong đó, có nhiều ca cộng đồng, và đã ghi nhận ca Omicron cộng đồng. Ông Long công bố tốc độ lây nhiễm của biến thể Omicron cao gấp 7 lần ở nhóm chưa tiêm vắc-xin và gấp 3 lần ở nhóm đã tiêm chủng đầy đủ.

Theo số liệu do Bộ Y tế công bố vào cuối ngày 20/1, số ca mắc mới mỗi ngày tại Việt Nam hiện vẫn tiếp tục ở mức cao, khi trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 16.234 ca/ngày. Số ca tử vong trung bình trong 7 ngày qua từ 241 ca/ngày (tính đến cuối ngày 15/12) giảm xuống 157 ca/ngày (tính đến cuối ngày 20/1).

Tỷ lệ tử vong hiện chiếm 1,7% so với tổng số ca nhiễm (36.266 ca tử vong/2.094.802 ca nhiễm), giảm so với tỷ lệ 2% vào trung tuần tháng 12/2021. Việt Nam hiện đứng thứ 9 trên thế giới về số ca tử vong/số ca mắc và thứ 19 trên thế giới về tỷ lệ số ca tử vong/100.000 dân, theo Johns Hopkins University & Medicine. So với thời điểm trung tuần tháng 12/2021, xếp hạng trên của Việt Nam lần lượt ở vị trí thứ 10 và thứ 20.

Nguyễn Quân

Xem thêm: