Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm vụ hơn 3.000 cây thông 17 năm tuổi bị hạ độc ở Lâm Đồng, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/5/2019.

vnerungthong 9809 1542256628
Cây thông bị khoan lỗ, đổ thuốc diệt cỏ vào thân (Ảnh: Vnexpress)

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo về việc yêu cầu kiểm tra, xử lý và báo cáo thông tin vụ việc hàng nghìn cây thông bị đầu độc chết trong 10 ngày trên địa bàn huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Như đã đưa tin, trong 10 ngày qua, tại tiểu khu 292, địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, kẻ xấu đã dùng thuốc trừ cỏ hạ độc cả một cánh rừng thông gần 20 năm tuổi, làm chết hơn 3.000 cây thông. Đây được cho là vụ hủy hoại rừng lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương để chiếm đất sản xuất.

Tại hiện trường, các cây thông bị kẻ xấu dùng dao rựa đi rừng bạt đi phần vỏ, khoan sâu vào thân cây khoảng 15-20 cm, sùi nhựa trắng đục. Rải rác trong rừng là những chai nhựa đã bị bóc đi phần nhãn mác bằng giấy, phần dập nổi có nhãn hiệu “Thanh Sơn”, giống như vỏ loại thuốc diệt cỏ vẫn được sử dụng trên thị trường.

Vụ hạ độc đã khiến cả cánh rừng thông rộng hơn 10ha chết đứng, cành lá chuyển sang màu đỏ và bắt đầu khô rụng, không thể cứu chữa. Ước tính số lượng cây thông bị chết trong khu vực lên tới 3.000 – 4.000 cây san sát nhau.

Đây không phải là địa chỉ duy nhất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mà rừng thông bị hạ độc trong thời gian qua.

Dọc tuyến đường 723 (nối Đà Lạt và Nha Trang), tuyến đường liên thôn nối huyện Bảo Lâm – huyện Di Linh có những trảng rừng thông lớn, xen kẽ bên trong có nhiều cây héo úa, chết khô. Có nhiều chỗ, cây chết nối hàng dài, thường là điểm tiếp giáp giữa rừng và vườn dân.

Theo ông Đồng Văn Lâm – hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), những cây thông đang có dấu hiệu chết dần đã bị khoan lỗ đổ thuốc diệt cỏ hơn 1 tuần và chỉ khoảng 3 tuần sau, cây sẽ chết hoàn toàn.

Kẻ xấu thường dùng khoan di động, loại gắn pin, khi khoan thân cây sẽ không phát ra tiếng động rồi đổ thuốc diệt cỏ vào. Sau khi khoan lỗ và đổ thuốc xong, kẻ xấu lột một vỏ thông khác và dùng keo dán lên trên để giấu vết khoan và hạn chế phát tán mùi thuốc diệt cỏ.

Trong báo cáo được Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) công bố vào năm 2018, tính từ năm 2013 đến thời điểm được công bố, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã mất khoảng 90.000ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng thông.

Cũng theo báo cáo, độ che phủ của rừng tại Lâm Đồng vào năm 2010 là 61,2% (có khoảng 602.000ha rừng) nhưng đến năm 2018 chỉ còn 54%.

Trong khi đó, theo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, chỉ trong 2 năm 2017 và 2018, địa phương đã ghi nhận được hơn 1.600 vụ phá rừng, trong đó chiếm hơn 50% vụ việc không tìm được người vi phạm, chưa kể những vụ “bức tử” rừng thông khác không bị phát hiện.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: