Đẩy nhanh tốc độ tập huấn về điều trị, sàng lọc, chuẩn bị bệnh viện dã chiến; tăng tốc việc sản xuất các trang thiết bị y tế, trong đó có máy thở… là những yêu cầu mới nhất từ phía Chính phủ đối với Bộ Y tế.

bx giap bat
Bến xe Giáp Bát đóng cửa, dừng hoạt động theo yêu cầu để ngăn ngừa lây lan bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). (Ảnh: J.N)

Tại thông báo 143/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ cho biết Việt Nam đã thực hiện kịp việc khoanh vùng các ổ dịch, phát hiện, cách ly nguồn lây bệnh, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng; 85 bệnh nhân đã được điều trị bình phục, chưa xảy ra tử vong (số liệu tính đến ngày 3/4 – ghi chú).

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ thừa nhận có nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

Xét theo tình hình, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tập huấn về điều trị, sàng lọc, chuẩn bị bệnh viện dã chiến; tăng tốc việc sản xuất các trang thiết bị y tế, trong đó có máy thở bảo đảm chất lượng và giá thành phù hợp.

Đối với Ban Chỉ đạo quốc gia được yêu cầu xây dựng đầy đủ kịch bản đối với mỗi trường hợp dịch lan rộng; chỉ đạo xử lý triệt để các ổ dịch hiện có, hết sức lưu ý việc rà soát, sàng lọc để phát hiện và xử lý kịp thời các ca nhiễm, ổ dịch mới trong cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nhất là các thành phố lớn đẩy mạnh dự trữ, bảo đảm sẵn sàng cho mọi tình huống và thực hiện tốt việc cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho với chất lượng, giá cả phù hợp; chú trọng đến đời sống của người nghèo.

Đáng lưu ý, về việc truyền thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy các dòng bài về thực hiện cách ly toàn xã hội (hạn chế tối đa ra ngoài và di chuyển, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên), về các tấm lòng nhân ái, tấm gương tốt tích cực hưởng ứng việc phòng dịch, dòng bài lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao tổ chức thực hiện việc viện trợ, hỗ trợ các nước Lào, Campuchia phòng, chống dịch trên cơ sở đề nghị, thống nhất với các nước này, đồng thời xem xét việc hỗ trợ một số trang thiết bị, vật tư y tế cho các nước là đối tác chiến lược như: Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha….

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý đối với người nhập cảnh từ Campuchia sau khi hết thời hạn cách ly; yêu cầu Bộ Quốc phòng khẩn trương thành lập đoàn cán bộ quân y sẵn sàng cơ động sang giúp Lào phòng ngừa dịch COVID-19.

Tính đến sáng 6/4, Việt Nam công bố 241 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19); 91 ca điều trị bình phục (chiếm 37,7%).

2 ổ dịch đã được xác định, gồm ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai (44 ca nhiễm – chiếm 18,2%) và ổ dịch quán bar Buddha (18 ca nhiễm – chiếm 7,4%).

Các chuyên gia dịch tễ thừa nhận ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai đã mất dấu bệnh nhân F0 (ca nhiễm bệnh đầu tiên), và có ca F2 đã trở thành F0 (trở thành nguồn lây đối với nhiều ca nhiễm sau đó).

Đáng lưu ý, tại Hà Nội từ ngày 3/4 xác định thêm một tâm dịch mới, là bệnh nhân 237 – quốc tịch Thụy Điển, được phát hiện nhiễm bệnh tình cờ sau khi người này gặp tai nạn và được đưa đi cấp cứu, điều trị tại 4 bệnh viện. Đây là ca nhiễm có lịch sử dịch tễ phức tạp nhất tính đến hiện tại ở Việt Nam, khi nhập cảnh trước thời điểm bùng phát dịch (19/12/2019), đã di chuyển qua nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam trong 3,5 tháng trước khi xác định nhiễm bệnh vào ngày 3/4/2020.

Sáng 6/4 cũng là sáng thứ 2 liên tiếp Bộ Y tế công bố không có ca nhiễm mới. Trong 24h qua, Việt Nam công bố thêm một ca bệnh mới, là một du học sinh từ Anh nhập cảnh vào Việt Nam, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Nguyễn Quân