Thủy điện Plei Kần (Kon Tum) tự ý tích nước hơn một tháng nay khiến người dân tại hai huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi thiệt hại rất lớn về kinh tế. Tại thủy điện này, hồi tháng 5 còn xảy ra vụ tai nạn lao động làm 3 người chết và 3 người bị thương.

Thủy điện Plei Kần, Kon Tum
Thủy điện Plei Kần tự ý tích nước khiến tuyến đường duy nhất vào khu sản xuất bị ngập sâu. Người dân phải vất vả sáng chế bè để đi lại. (Ảnh: baokontum.vn)

Thủy điện Plei Kần (Kon Tum) có công suất 17MW, sử dụng hơn 128 ha đất tại hai xã Đắk Rơ Nga (huyện Đắk Tô) và xã Đắk Nông (thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi).

Dự án được giới chức tỉnh Kon Tum chấp thuận vào tháng 10/2016, với tổng mức đầu tư gần 576 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tấn Phát (TP. Kon Tum).

Thủy điện Plei Kần cũng được đánh giá là một trong những dự án có tầm quan trọng với kinh tế địa phương, sau khi đi vào vận hành, Thủy điện Plei Kần sẽ không chỉ góp phần cung cấp một lượng điện ổn định cho hệ thống điện quốc gia mà giúp hoàn thiện hạ tầng giao thông, mang lại công ăn việc làm ổn định cho người dân tại hai huyện Ngọc Hồi và Đắk Tô.

Thế nhưng đến nay, lợi ích từ dự án thủy điện đem tới cho người dân chưa thấy đâu, mà chỉ thấy báo chí nhà nước liên tục phản ánh, thủy điện Plei Kần “tự ý” tích nước làm nhiều nhà dân bị ngập sâu; hàng trăm ha đất trồng cà phê, cao su, cây ăn trái, ao cá bị cô lập; nhiều tài sản bị cuốn trôi gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Dự án này cũng đã có 3 người chết, 3 người bị thương trong lúc thi công công trình.

Dân từng ngăn cản không cho xây thủy điện Plei Kần

Hồi năm 2018, báo chí phản ánh tại thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, hàng trăm người dân đã dùng cây cối, vật dụng làm barie chắn ngang đường tại tổ dân phố 3, để ngăn không cho xe vào thi công công trình thủy điện Plei Kần.

Họ phản đối xây dựng thủy điện vì xe thi công công trình thường xuyên lưu thông, gây mất an toàn cho trẻ em trong khu vực, làm hư hỏng con đường do người dân tự góp tiền xây dựng.

Thủy điện Plei Kần, Kon Tum
Dân bức xúc chặn đường không cho xe thi công thủy điện Plei Kần. (Ảnh: nld.com.vn)

Ngoài ra, trước đó Công ty Tấn Phát đã cam kết làm cầu tạm bắc qua sông Pô Kô để dân có đường đến nơi sản xuất nhưng vẫn chưa thực hiện. Đặc biệt, một số hộ dân đã bị ảnh hưởng về diện tích đất, hoa màu do thi công công trình nhưng vẫn chưa nhận được đền bù.

Theo người dân, khi xây thủy điện làm dòng Pô Kô bị thu hẹp, khiến hàng trăm m2 đất trồng cà phê, chuối của họ bị cuốn phăng…

Doanh nghiệp không cố tình gây ngập?

Báo chí dẫn lời một người dân sống tại thôn Đắk Ré (xã Đắk Rơ Nga) cho biết thủy điện Plei Kần tự ý tích nước khoảng hơn một tháng nay.

“Họ tích nước với lượng lớn nhưng lại không báo cho dân. Nước lên bất ngờ trong đêm, gia đình phải bỏ của chạy lấy người. Nước lên cao tận bàn thờ, trở tay không kịp. Các vật nuôi trong nhà chết sạch. Cây cối ngoài vườn bị ngập sâu. Tài sản bị cuốn trôi hết. Thiệt hại khoảng 800 triệu đồng”, người này nói.

Một người dân tên Tuấn sống ở thôn Đắk Dế (xã Đắk Rơ Nga) nói với báo chí nhà nước cho biết, gia đình có 5 ha đất sản xuất và ao cá nằm trong vùng lòng hồ của thủy điện. Thủy điện Plei Kần tích nước gây ngập khoảng 5.000m2 đất trồng cây và ao cá, gây thiệt hại khoảng 700 triệu đồng…

Ngoài ra, người dân xã Đắk Rơ Nga bức xúc khi con đường duy nhất dẫn lên khu sản xuất hơn 300ha đã bị nước cuốn trôi, khiến người dân phải dầm mình trong nước, sử dụng bè mảng tự chế mỗi khi đi thu hoạch vận chuyển nông sản. Khoảng 70 gia đình đang như ngồi trên đống lửa vì cây cà phê đang chín không thể thu hoạch, mủ cao su không đem đi bán được.

Giải thích trên tờ Đất Việt, ông Nguyễn Ngọc Tưởng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tấn Phát cho rằng thủy điện Plei Kần đang ở trong giai đoạn tích nước kỹ thuật, bản thân doanh nghiệp không cố tình gây ngập.

“Thời gian qua, mưa bão nhiều khiến nước lũ dâng lên, gây ngập cầu cống, đường sá, còn doanh nghiệp không cố tình đi làm chuyện sai pháp luật”, ông này nói.

Đáng chú ý, ông Lâm Thế Hiển, Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Nga cho biết, cuối tháng 9, người dân có làm đơn yêu cầu phía thuỷ điện Plei Kần phải bồi thường. Phía công ty hứa sẽ giải quyết nhưng đến nay vẫn không thấy thực hiện.

Giới chức Kon Tum có dấu hiệu bao che

Trước đó, chiều hôm 25/5, trong lúc thi công sửa chữa công trình thủy điện, 6 công nhân đứng trong giỏ sắt (dài khoảng 6m, rộng và cao 1m) để đục bê tông thì cẩu bị đứt cáp khiến tất cả rơi xuống sông. Hậu quả, 3 người tử vong tại chỗ, 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Trong những người gặp nạn có người mới 16 tuổi (bị thương).

Vụ việc này đặt ra nhiều câu hỏi đối với chủ đầu tư và cơ quan chức năng: Trẻ vị thành niên vì sao lọt vào công trình; các công nhân có chứng chỉ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (bắt buộc khi tham gia thi công) hay không; quy trình xây dựng thủy điện, ai giám sát; chất lượng thi công thế nào…

Giới chức tỉnh này cũng đã yêu cầu công an điều tra, thế nhưng hơn 4 tháng nay, kết quả vẫn “bặt vô âm tín”.

Tờ Tiền Phong nhận định cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum có dấu hiệu bao che cho doanh nghiệp, trong khi vụ việc xảy ra đã lâu, mà vẫn chưa công bố kết quả điều tra.

Phạm Toàn