Theo kết quả nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, năm 2007, có 97% lượng phù sa của dòng Mekong bồi lắng ở ĐBSCL thì đến năm 2040 chỉ còn 4% do các đập thuỷ điện giữ lại. Sản lượng đánh bắt cá ở hành lang sông Mekong giảm khoảng 1,57 tỷ USD. Hiện tượng xâm nhập mặn, hạn hán tại khu vực ĐBSCL xảy ra gay gắt nhất trong gần 100 năm qua, ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.

đồng bằng sông Cửu Long
Hiện tượng xâm nhập mặn, hạn hán nghiêm trọng xảy ra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: dwrm.gov.vn)

Ngày 20/3, tại TP. Cần Thơ, Tổ chức Sông ngòi quốc tế (IR), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Liên minh Cứu sông Mekong (StM) và Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF) cùng phối hợp tổ chức diễn đàn Mekong với chủ đề “Lưu vực Mekong trước thách thức bảo vệ người dân và hệ sinh thái trong bối cảnh nhiều biến động”.

Tại diễn đàn, bà Maureen Harris thuộc Tổ chức Sông ngòi Quốc tế cho rằng việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong (7 công trình hoàn thành thượng nguồn Trung Quốc; 11 con đập đã và đang xây dựng phía hạ lưu tại Lào và Campuchia) – gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh kế người dân và các nguy cơ khác như mất cân bằng hệ sinh thái, giảm lượng phù sa,…

Ông Naruepon Sukumasavin – Ban thư ký Ủy ban Sông Mekong Quốc tế cũng thông tin về kết quả nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong – cho thấy sự suy giảm phù sa và chất dinh dưỡng về phía hạ lưu do ảnh hưởng của các dự án thủy điện (bao gồm cả các thủy điện của Trung Quốc) sẽ làm giảm độ màu mỡ của đất, giảm sản lượng lúa gạo cũng như sản lượng cá. Các vùng có nguy cơ ảnh hưởng gồm vùng ngập lụt Tonle Sap ở Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam.

Nghiên cứu chỉ ra năm 2007, có 97% lượng phù sa của dòng Mekong bồi lắng ở ĐBSCL thì đến năm 2020 chỉ còn 30% và năm 2040 chỉ còn 4% do các đập thuỷ điện giữ lại. Sản lượng đánh bắt cá ở hành lang sông Mekong sẽ giảm khoảng 1,57 tỷ USD.

Cũng theo nghiên cứu, các dự án thủy điện sẽ làm gia tăng xói lở bờ sông và lòng sông, đặc biệt ở ĐBSCL của Việt Nam và dọc theo sông Mekong từ Viêng Chăn (Lào) đến Stung Treng (Campuchia). Các hồ chứa sẽ biến phần lớn sông Mekong thành các môi trường sống kiểu các hồ nhỏ và sâu, không phù hợp cho các loài sinh sống ở sông Mekong mà chỉ phù hợp với các loài như sò, ốc, ếch nhái. Các dự án phát triển cũng gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực và đói nghèo, thu nhập cho hộ gia đình sẽ giảm…

Tại Việt Nam, các chuyên gia thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên lo lắng về những tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến “vựa lúa” ĐBSCL. Cụ thể, mùa khô năm 2016, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra dữ dội ở các tỉnh ĐBSCL; lượng nước đổ về ĐBSCL thấp kỷ lục, gây nên hạn mặn gay gắt nhất trong gần 100 năm qua; từ đó dẫn đến những thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

Trong thời gian qua các tỉnh vùng ĐBSCL phát triển mạnh canh tác lúa 2 vụ, 3 vụ, thậm chí 7 vụ/2 năm,… nên cần nước tưới rất lớn, nhiều nhất so với các nước trong lưu vực sông Mekong. Trong khi nguồn nước tưới ngày càng hạn chế sẽ là khó khăn không nhỏ cho việc phát triển nông nghiệp bền vững.

Trước tình trạng sông Mekong ngày càng bị ảnh hưởng trầm trọng, ông Somkiat Khuan Chaingsa – một người dân sống tại tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) đưa ra 3 thông điệp gửi đến diễn đàn. Thứ nhất, phải nghiên cứu nhiều hơn về tác động của đập thủy điện sông Mekong lên đời sống người dân; thứ hai, phải rà soát lại các kế hoạch phát triển kinh tế ở lưu vực sông này; thứ ba là cần tìm ra giải pháp, chiến lược để giải quyết các vấn đề của người dân và Chính phủ phải hỗ trợ để bảo tồn hệ sinh thái, sinh kế người dân.

Theo Tổ chức Sông ngòi quốc tế, sông Mekong là một trong những dòng sông lớn và có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Nguồn dinh dưỡng từ dòng sông này đã giúp tạo nên một vùng sản xuất và xuất khẩu gạo lớn, nguồn cá tự nhiên cao nhất nhì thế giới.

Ở hạ lưu sông Mekong – nơi sinh sống của trên 60 triệu người dân, trong đó khoảng 85% là nông dân và ngư dân. Canh tác lúa nước và đánh bắt, nuôi trồng là nguồn sinh kế quan trọng của người dân từ nhiều năm qua.

Lưu vực sông Mekong là một trong những khu vực trên thế giới bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu. Tại các quốc gia lưu vực sông Mekong, những thay đổi về đa dạng sinh học do biến đổi khí hậu gây ra sẽ tác động đến sinh kế của người dân, từ đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Kim Long

Xem thêm: