Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết EVNGENCO3 đang xúc tiến xin giấy phép nhận chìm 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét xuống biển Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).

nhan chim bun thai
Khu bảo tồn biển Hòn Cau được đánh giá là khu bảo tồn đa dạng sinh học cao của Việt Nam với 175 loài thủy sinh, 132 loài động vật đáy, 234 loài san hô, 166 loài rong và cỏ biển, 324 loài cá cùng nhiều loài chim, thú khác… Trong hình: Đảo Hòn Cau. (Ảnh: Fanpage Khu bảo tồn biển Hòn Cau)

Vị trí xin đổ cách vị trí mà Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ khoảng 5 km về hướng Bắc và cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 10 km.

Ông Trần Lê Trung Hiếu, Chánh Văn phòng của EVNGENCO3 cho biết khối lượng bùn cát này thu được trong quá trình nạo vét luồng và vũng quay tàu để làm cảng 100 nghìn tấn để nhập than từ Indonesia và Úc cho các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng.

Thủ tục của dự án đã được trình cho Bộ TN&MT và dự kiến EVNGENCO3 sẽ thực hiện trong năm nay, ông Hiếu cho hay.

Mặc dù chiều 8/7, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc cho biết chưa nhận được hồ sơ của EVN Genco 3 xin nhận chìm khối lượng “vật chất” trên, phía EVNGENCO3 cho hay ngày 8/12/2014 Bộ TN&MT đã ra Quyết định 2829/QĐ-BTNMT về đánh giá tác động môi trường: thống nhất đổ 2,4 triệu m3vật liệu nạo vét. Gần đây nhất, ngày 3/5/2017, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch hiệu chỉnh Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại Quyết định số 1562/QĐ-BCT, trong đó xác định vị trí bãi nhận chìm vật liệu nạo vét luồng và vũng quay tàu 100 nghìn tấn để nhập than của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Nhà máy điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng do EVN làm chủ đầu tư, EVN Genco 3 làm đại diện chủ đầu tư. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 là dự án BOT.

Tránh ô nhiễm đất nên nhận chìm xuống biển?

Trước đó, ngày 23/6, Bộ TN&MT đã cấp phép cho cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát thải xuống vùng biển xã Vĩnh Tân, với diện tích 30 ha, cách khu bảo tồn Hòn Cau 8 km.

Trong Thông tin báo chí ngày 28/6 về việc cấp Giấy phép nhận chìm ở biển cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, Bộ TN&MT cho biết: “Vật, chất được phép nhận chìm có khối lượng là 918.533 m3 , bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1…, không phải là chất thải từ hoạt động của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường“.

Về lý do chọn phương án nhận chìm xuống biển, Bộ cho hay, theo Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, “vật, chất được phép nhận chìm không thể lưu giữ, xử lý trên đất liền vì cần phải có diện tích lớn, trong khi địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để lưu giữ, xử lý; đồng thời sẽ gây nhiễm mặn, ô nhiễm môi trường khu vực lưu giữ và khu vực lân cận“.

Nội dung thông cáo không đưa ra phương án đánh giá, so sánh thông số để đảm bảo môi trường được an toàn. Thay vào đó, Bộ TN&MT cho biết sẽ cho nhận chìm từng bước, thực hiện quan trắc, giám sát tại 13 điểm do Viện Hải dương học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học) và Công nghệ Việt Nam (đơn vị giám sát độc lập) thực hiện với sự tham gia của đại diện Bộ TN&MT, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương. Việc này là để phát hiện ra nguồn gây tác động đến môi trường và đối tượng có thể bị tác động do hoạt động nhận chìm, xử lý các tác động tiêu cực đến môi trường.

Phương thức nhận chìm là mở đáy xà lan và sử dụng lưới chắn bùn để giảm thiểu phát tán vật, chất nhận chìm do tác động của sóng, gió đến môi trường biển.

Việc nhận chìm thực hiện từ tháng 6 đến hết tháng 10/2017. Việc quan trắc, giám sát chất lượng nước biển tại 13 điểm tiến hành trong quá trình nhận chìm. Nếu có sự cố sẽ dừng việc nhận chìm.

Độ sâu lớn nhất của khu vực nhận chìm là -36,1m. Theo Bộ TN&MT, độ sâu của Khu Bảo tồn biển Hòn Cau từ -5m đến -10m “nên khó có khả năng dịch chuyển vật, chất nhận chìm ở đáy biển đến Khu Bảo tồn biển Hòn Cau“.

Phản đối quyết định cho phép nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát thải

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc nhận chìm xả thải xuống đáy biển sẽ gây hủy hoại nghiêm trọng môi trường và hệ sinh thái biển.

Theo Báo Thanh Niên (7/7/2017), TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho hay vùng biển Bình Thuận không những là vùng nước trồi độc nhất vô nhị mà còn là ngư trường gần bờ lớn nhất của Việt Nam. Điều này có nghĩa đây là vùng biển rất quan trọng và có nhiều giá trị về tự nhiên cần phải được bảo tồn. “Vì là khu vực động lực nước trồi nên nó luôn luôn xáo trộn. Động lực mạnh nhất là từ tháng 6 đến tháng 9. Họ chọn đúng vào thời điểm có động lực mạnh nhất để đổ thải xuống thì hoàn toàn không đúng“, TS An nói.

nhan chim bun thai
Đưa rùa về biển tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau. (Ảnh: Fanpage Khu bảo tồn biển Hòn Cau)

Trên Báo Sài Gòn Giải Phóng (8/7/2017), TS An cho biết theo Hải dương học nghiên cứu, thông thường chất xả thải xuống biển sẽ có tác động phạm vi khoảng 170 hải lý (trên 300km). Nhưng chỗ nhận chìm của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chỉ cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau 8km. Do vậy, hoạt động này sẽ anh hưởng nghiêm trọng đến không chỉ toàn bộ khu vực bị nhận chìm mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Hòn Cau.

Trên các Báo Thanh Niên (7/7/2017), Báo Tin tức (8/7/2017), PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam khẳng định bất kỳ loại chất thải nào đổ ra biển dù ô nhiễm hay không cũng sẽ làm mất vĩnh viễn hệ sinh thái nền đáy. Ông cho hay báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và Bộ TN&MT chỉ nói các vật chất đó không gây ô nhiễm là không đúng, mà cần phải nói rõ về tác động của hoạt động nhận chìm đến môi trường như thế nào. Về độ sâu thì phải được tính bằng độ sâu của bước sóng lớn nhất ở chính vùng đổ thải; và độ sâu của biển phải tính bằng độ cao cao nhất của đỉnh đổ thải chứ không phải độ sâu của đáy biển hiện tại.

Theo tính toán của Thời báo Kinh tế Sài Gòn (8/7/2017), với lượng xả thải dự kiến 918.533 m3 và chỉ tính 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa như thông tin do Bộ TN&MT thông báo, thì độ dày lớp vật chất này phủ trực tiếp lên đáy biển khu vực xả thải là 48,4 cm trong phạm vi 30 ha (300.000 m2 với 20% vật chất lắng trực tiếp xuống khu vực xả thải).

Với độ dày gần nửa mét vật, chất bao phủ tầng đáy biển, đây rõ ràng là một sự xáo trộn rất lớn cho các rạn san hô, các thảm thực vật và động vật dưới đáy biển“, bài báo nhận định, đồng thời lưu ý cần tính đến 80% vật chất lơ lửng còn lại (các hạt nhỏ hơn cần thời gian để lắng) có thể bị phân tán đi các nơi khác theo dòng hải lưu, sóng biển và khi gió mùa và dòng hải lưu đổi hướng.

Vĩnh Long (T/h)

Xem thêm: