Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030 vừa được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, cát không nằm trong danh mục khoáng sản được thăm dò, khai thác và sử dụng. Tuy nhiên, tính tới ngày 30/6/2017, sẽ còn 826.220mcát nhiễm mặn sẽ được xuất khẩu từ vùng biển Phú Quốc.

xuat khau cat
Nạo hút cát ngay ngoài khơi rồi chuyển cát sang các tàu nước ngoài tại cảng quốc tế An Đới và quân cảng Vùng 5 Hải quân, tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc (Kiên Giang), cuối tháng 11, đầu tháng 12/2016. (Nguồn: tv.tuoitre.vn/dẫn qua canthotv.vn)

Theo Quyết định số 20/2017/QĐ – UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng ký ngày 20/6/2017, cát không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản của tỉnh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030.

Theo quy hoạch, có 80 điểm mỏ khoáng sản, gồm 17 mỏ vật liệu xây dựng (đá xây dựng; đá vôi; đá, đất san lấp), 19 mỏ sét gạch ngói, 24 mỏ vật liệu san lấp (trên đất liền; từ biển) và 20 mỏ than bùn.

Quyết định này thay thế Quyết định 15 (ngày 11/2/2011) phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2010 – 2020 và dự báo đến năm 2025 và  Quyết định 14 (ngày 12/2/2014) về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2010-2015. Trong các quyết định này, cát xây dựng được quy hoạch khai thác rất ít, cuối cùng điều chỉnh là không khai thác.

Cụ thể, theo quyết định 15, toàn tỉnh có 7 mỏ cát xây dựng, trong đó 6 mỏ cấm khai thác. Tổng trữ lượng đã khai thác hết tính đến năm 2009 là 569 ngàn m3, trữ lượng các mỏ đã thăm dò là 61 ngàn m3, trữ lượng chưa thăm dò (tài nguyên) là 38,251 ngàn m3.

Tỉnh xác định trữ lượng cát xây dựng cần cho nhu cầu của tỉnh tính đến năm 2020 là 810.000 m3, dự báo đến năm 2025 là 1,05 triệu m.

Theo quy hoạch khai thác, tổng số mỏ khai thác cát xây dựng là 1 mỏ (tại suối Cửa Cạn), diện tích 10ha, từ 2010 đến 2015 khai thác 61.000 m, từ 2016 đến 2020 và dự báo đến 2025 không khai thác.

Đến năm 2014, tỉnh ra quyết định 14 điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2010-2015, trong đó điều chỉnh đối với mỏ tại suối Cửa Cạn (10ha) theo hướng loại bỏ, đưa vào khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản của tỉnh.

Như vậy, theo các quyết định đã ban hành của tỉnh, từ năm 2010 đến 2020, tầm nhìn đến 2030, tỉnh Kiên Giang không có các dự án khai thác cát trên địa bàn.

Gia hạn xuất khẩu cát nhiều lần dù đã gây sạt lở bờ biển

Tuy nhiên, tính tới ngày 30/6/2017, sẽ còn tối đa 826.220 mcát của tỉnh sẽ được khai thác và làm thủ tục xuất khẩu. Đây là số cát nhiễm mặn tận thu từ Dự án nạo vét vùng nước quân cảng Vùng 5 tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Theo Báo Tuổi Trẻ (9/12/2015), giữa năm 2010, lãnh đạo Vùng 5 Hải quân ký hợp đồng thi công với hai đơn vị là Công ty TNHH SX-XD-TM Đức Long (gọi tắt Công ty Đức Long) và Công ty cổ phần Hải Việt.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã cấm xuất khẩu cát nhiễm mặn từ 30/6/2010 theo công văn 5220/VPCP-KTN. Sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chấp thuận cho phép xuất khẩu cát từ dự án này. Đến ngày 5/7/2013, Bộ Xây dựng gửi công văn 1341/BXD-VLXD trong đó cho phép Công ty Đức Long được xuất khẩu 1 triệu mcát nhiễm mặn tận thu từ dự án nạo vét quân cảng Vùng 5 tại Phú Quốc (Kiên Giang), thời gian từ ngày 5/7/2013 đến hết ngày 31/12/2013.

Kết thúc thời hạn trên, Bộ Xây dựng liên tiếp có 4 công văn (45/BXD-VLXD ngày 9/1/2014; 1460/BXD-VLXD ngày 3/7/2015; 1070/BXD-VLXD ngày 3/6/2016; 32/BXD-VLXD ngày 6/1/2017) cho phép gia hạn xuất khẩu cát nhiễm mặn đối với Công ty Đức Long với lý do vẫn còn hạn mức khối lượng.

Tại công văn số 1460, Công ty Đức Long được gia hạn xuất khẩu tối đa 972.000 mcát nhiễm mặn tận thu, thời gian từ ngày 3/7/2015 đến ngày 31/12/2015. 

Cuối năm 2015, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang gửi văn bản lên Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT và Quân chủng Hải quân đề nghị dừng việc xuất khẩu cát từ dự án nạo vét vùng nước tại quân cảng Vùng 5 hải quân, do hoạt động hút cát nạo vét luồng tàu vào quân cảng đã gây sạt lở khoảng 1km tại khu vực bãi biển Vùng 5 hải quân, làm ngã đổ một số cây dương và có nguy cơ gây sạt lở sâu vào đất liền…

xuat khau cat
Một chiếc tàu chở cát từ Phú Quốc sang Singapore. Mỗi chiếc chở đi gần 60 ngàn tấn cát, tương đương khoảng 40 ngàn khối cát, được phía Singapore mua với giá 1,3 USD/m3 (đơn giá năm 2015). (Nguồn: tv.tuoitre.vn/dẫn qua canthotv.vn)

Tuy nhiên, sau đó Bộ Xây dựng tiếp tục gia hạn nhiều lần cho Công ty Đức Long được xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ dự án nạo vét tại Phú Quốc. Tháng 6/2016 (công văn số 1070), Bộ Xây dựng thống nhất gia hạn việc Công ty Đức Long làm thủ tục xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ dự án, khối lượng tối đa là 926.220m3, thời gian từ ngày 3/6/2016 đến ngày 31/12/2016. Tháng 1/2017 (công văn số 32), Bộ Xây dựng gia hạn cho Công ty Đức Long xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ dự án nạo vét với khối lượng 826.220m3, thời gian từ ngày 6/1/2017 đến hết ngày 30/6/2017. Theo Bộ Xây dựng, đây là khối lượng đã được gia hạn từ tháng 6/2016 nhưng chưa xuất khẩu hết.

Các công văn cho phép xuất khẩu và gia hạn xuất khẩu cát nhiễm mặn đối với Công ty Đức Long của Bộ Xây dựng đều được gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 5, Bộ TN&MT, UBND tỉnh Kiên Giang, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Kiên Giang và không được gửi tới Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang.

Cả UBND tỉnh Kiên Giang và Sở TN&MT Kiên Giang đều khẳng định dự án này không phải của tỉnh Kiên Giang.

Theo Báo Tuổi Trẻ (8/3/2017), Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết dự án trên là của Bộ Quốc phòng, do đó, việc tiếp tục hay không là do Bộ Quốc phòng quyết định. Về phía tỉnh, lãnh đạo tỉnh đề nghị dừng hẳn việc xuất khẩu cát.

Vĩnh Long

Xem thêm: