Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho hay kỳ thi “2 trong 1” với hướng thi trắc nghiệm đã giúp hạn chế tình trạng thiếu trung thực. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực thì vẫn luôn có.

bo truong bo gd dau bang tin nhiem thap
Bộ trưởng Bộ GD Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngày 26/10, tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giải trình về 3 vấn đề thi cử, sách giáo khoa và giáo viên.

Nói về thi cử, Bộ trưởng Nhạ cho hay trước đây, cả kỳ thi tốt nghiệp lẫn thi vào cao đẳng, đại học, tình trạng quay cóp rất nhiều, với nhiều điểm nóng về tiêu cực, thiếu trung thực đã từng phát hiện ở Đồi Ngô, Phú Xuyên.

Kỳ thi 2 trong 1 với hướng thi trắc nghiệm đã giúp hạn chế tình trạng đó. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực thì vẫn luôn có.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đúng là năm bộc lộ các vấn đề về tính trung thực và chúng tôi sẽ phải xử lý, khắc phục” – Bộ trưởng Nhạ thừa nhận và cho biết thêm khi tiêu cực thi xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ và cùng Bộ Công an vào cuộc điều tra.

Hiện có 11 người đã bị xử lý theo quy định của pháp luật, Bộ cũng áp dụng quy chế đối với 151 thí sinh vi phạm, điểm số không trung thực” – ông Nhạ thông tin và khẳng định sẽ tiếp tục xử lý sai phạm.

Vị Bộ trưởng cho hay sau khi Thủ tướng yêu cầu, Bộ đã rà soát toàn bộ quy trình về thi, chấm thi. Quy trình đầy đủ nhưng một số khâu, đặc biệt chuẩn bị câu hỏi, ra đề thi, cần tốt hơn vì đây là vấn đề khó, cần thời gian. Kinh nghiệm quốc tế cũng vậy, không phải có ngay ngân hàng đề thi.

Tư lệnh ngành giáo dục giải thích, việc mã hoá code đề thi hiện nay cũng là điểm sơ hở giúp cho những người có kỹ năng về vấn đề này lợi dụng, khai thác. Đó là điểm cần rút kinh nghiệm. Bộ Giáo dục cũng đã kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân trong vấn đề này.

Về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng viện dẫn Nghị quyết 40 năm 2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, kết luận cần có một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn. Bộ giao việc biên soạn, biên tập, chỉnh lý, in ấn, phát hành cho NXB Giáo dục Việt Nam, dẫn tới độc quyền.

Việc làm này dẫn đến tồn tại nhiều bất cập. Vì có một bộ SGK, nhiều thầy cô phụ thuộc sách dẫn đến máy móc, cứng nhắc, rập khuôn. Thời gian tới chúng ta thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK, song sẽ có nhiều khó khăn vì việc quản lý một bộ sách đã phức tạp, nhiều bộ SGK sẽ càng khó hơn.

Một bộ sách mà như vừa rồi việc quản lý còn rất phức tạp thì tới đây, việc có nhiều bộ sách có thể dẫn tới trình độ không đồng đều giữa học sinh các địa phương, vùng miền. Vậy nên trong Nghị quyết 88 (năm 2014), Quốc hội vẫn giao Bộ xây dựng một bộ sách mẫu và khuyến khích các tổ chức tham gia làm sách, nhà nước không độc quyền” – Bộ trưởng nói và cho hay khi ban hành chương trình mới, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu hạn chế vẽ, tô vào sách, tránh lãng phí.

Về giáo viên, Bộ trưởng Nhạ khẳng định Bộ không thể chịu trách nhiệm chất lượng nếu thiếu hai điều kiện quan trọng là biên chế giáo viên đúng theo định mức và chế độ chính sách, trường lớp, cơ sở vật chất.

Vì việc sử dụng tuyển dụng lại thuộc thẩm quyền của địa phương, do đó, Bộ trưởng đề nghị địa phương ưu tiên bố trí giáo viên, không giảm biên chế cơ học, thực hiện như Thủ tướng yêu cầu ở đâu có học trò, ở đó phải có giáo viên, trường lớp.

Bộ cũng đã làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành khác, thống nhất định mức 35 học sinh tiểu học, 45 học sinh THCS trên một lớp. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng chính sách đảm bảo giáo viên cho vùng sâu, xa, không nên dồn dịch cơ học, tránh học sinh bỏ học vì nhà xa, không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp.

Hoàng Minh

Xem thêm: