Qua truy vết, trích xuất camera, công an xác định người phụ nữ 52 tuổi mắc viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã từng đi tẩm quất bấm huyệt ở TP Hải Dương, từ đó gây nên chùm ca nhiễm trong gia đình.

COVID hai duong 1
Người trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết phải đo thân nhiệt tại các chốt vào TP Hải Dương, sáng 17/2. (Ảnh: Thành Đông ngày mới/Facebook)

Tối 17/2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hải Dương cho biết chùm ca bệnh này có yếu tố dịch tễ đến từ ổ dịch Công ty Poyun tại TP Chí Linh.

Công an TP Hải Dương thông báo khoảng 18h30 đến 20h ngày 21/1, bà N.T.T. (52 tuổi, ở phố Trần Sùng Dĩnh, phường Hải Tân, TP Hải Dương) đã đến Hội người mù TP Hải Dương (số 28 Trần Bình Trọng) để tẩm quất, bấm huyệt do bị đau lưng.

Nhân viên trực tiếp xoa bóp bấm huyệt là chị P.T.H. (36 tuổi, trú thôn Quảng Tân, xã Nam Tân, huyện Nam Sách). Trước đó, chị H. đã cùng em họ là công nhân Công ty POYUN dự đám cưới tại xã Nam Tân, huyện Nam Sách. Sau đó, chị H. được xác định nhiễm virus Vũ Hán (nCoV) – bệnh nhân 1734.

Công an xác định bà T. tiếp xúc với F0 nhưng không khai báo y tế. Bà T. sau đó bị nhiễm bệnh (được công bố là bệnh nhân 2278) và lây bệnh cho chồng, con trai và người giúp việc.

Trước thời điểm phát bệnh, bà T. từng đi tập yoga tại phòng tập Nhà văn hoá Liên đoàn Lao động tỉnh. Sau đó, bà T. nghỉ tập ở nhà, đạp xe thể dục. Buổi sáng hàng ngày, bà T. đi mua đồ ăn tại chợ Hải Tân.

Ngày 3/2, bà T. có biểu hiện mệt, ngày 5/2 xuất hiện sốt về chiều, ho và mệt. Đến ngày 8/2, bà cùng chồng ra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương sàng lọc và xin xét nghiệm nCoV.

Ngày 11/2, kết quả xét nghiệm bước đầu xác định bà T. dương tính với nCoV nên bà T. được hướng dẫn cách ly tại nhà. Ngày 14/2, bà T. được lấy mẫu tại nhà và tiếp tục dương tính với nCoV. Bộ Y tế sau đó công bố bà T. là bệnh nhân thứ 2278.

Khi họp thông báo thông tin vào chiều 17/2, ông Lê Đình Long, Bí thư Thành ủy Hải Dương cho rằng ngành y tế đã quá lo lắng, cho đây là yếu tố tạo ra chùm ca nhiễm đầu tiên, đưa TP Hải Dương vào nguy cơ báo động. “Họ cảnh báo chùm lây nhiễm này sẽ khiến thành phố thành ổ dịch phức tạp hơn ở huyện Cẩm Giàng”, ông Long nói, cho hay Bộ Y tế đề xuất phong tỏa thành phố.

“Đến 18h chiều 17/2, lực lượng công an báo cho tôi đã xác định chính xác, không có chuyện bệnh nhân 2278 mất dấu nguồn lây. Chúng tôi cũng đã điện báo ngay với lãnh đạo tỉnh, xin ngừng phương án phong tỏa TP Hải Dương” – ông Long thông báo.

Mặc dù đã truy vết được nguồn lây, tỉnh Hải Dương hiện vẫn là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nhất với nguy cơ từ hàng loạt ổ dịch tại TP Chí Linh, huyện Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách và TP Hải Dương, chưa kể khả năng lây nhiễm chéo trong khu cách ly khi có tới 80 F1 đang cách ly tập trung trở thành bệnh nhân dương tính (mật độ cách ly sau khi giảm vẫn cao gấp 3 lần mức cho phép, có nhà vệ sinh dùng cho tới 60 người).

Ngoài ra, ổ dịch huyện Cẩm Giàng ghi nhận 66 ca mắc, hiện còn đang phức tạp. Riêng trong 7 ngày gần nhất có 52 ca mắc, trong đó có những ca xét nghiệm lần 3 mới dương tính. Toàn huyện có 6.104 người tiếp xúc gần (F1), đã được xét nghiệm ít nhất 2 lần.

Ổ dịch thị xã Kinh Môn ghi nhận 64 ca, trong 7 ngày gần nhất có 14 ca mới. Còn ổ dịch tại huyện Nam Sách ghi nhận 29 ca mắc, trong 7 ngày nghỉ Tết có 16 ca mới; trong đó, ngày 13/2 xét nghiệm có 4 ca dương tính trong khu vực phong tỏa.

Tỉnh Hải Dương cũng chấp nhận cho người từ các tỉnh và người trong nội tỉnh được về quê ăn Tết, gây nguy cơ dịch lan rộng sau kỳ nghỉ Tết. Chiều 17/2, giới hữu trách TP Hà Nội thông báo toàn bộ những người từ Hải Dương về Hà Nội trong vòng 14 ngày kể từ 0h ngày 2/2 đến 0h ngày 16/2 phải xét nghiệm và cách ly, giám sát sức khỏe tại nhà.

Cùng trong chiều 17/2, TP Hải Dương thông báo tất cả người dân sinh sống tại TP Hải Dương đã từng đi, đến, về hoặc làm việc tại huyện Cẩm Giàng từ ngày 15/1 đến nay phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm nCoV.

Sơn Nguyên