Không còn tín nhiệm với việc điều trị trong nước, ngày càng có nhiều người Việt chọn giải pháp ra nước ngoài chữa bệnh, nhiều nhất là tới Singapore.

Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2017 được tổ chức trong tháng 1 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi: “Tại sao người giàu lại ra nước ngoài chữa bệnh đông như vậy? Hàng vạn người chữa bệnh tại Singapore, chúng ta mất bao nhiêu đô la?”

ra nuoc ngoai chua benh
Không còn tín nhiệm với việc điều trị trong nước, nhiều người chọn giải pháp ra nước ngoài chữa bệnh. (Ảnh minh họa)

Chi 2 tỷ USD mỗi năm cho trị bệnh ở nước ngoài

Theo Sách trắng 2016 do Eurocham công bố ngày 2/3/2016, năm 2013, ước tính có khoảng hơn 30.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa trị, với chi phí tương đương khoảng 1 tỷ USD. Chi phí này đã tăng lên gấp đôi – 2 tỷ USD chỉ trong 2 năm sau đó với khoảng 40.000 người Việt ra nước ngoài chữa trị.

Đề cập đến con số này trong chuyến làm việc cùng đoàn chuyên gia Pháp ở Hà Nội ngày 18/1/2016, ông Joel Leroy – chuyên gia về nội soi người Pháp cho rằng nếu số tiền trên được sử dụng để đầu tư phát triển kỹ thuật và hạ tầng y khoa thì sẽ phát triển và ứng dụng được nhiều kỹ thuật y khoa mới tại Việt Nam.

Ông Joel Leroy cũng cho biết, do có điều kiện tài chính nên ngoài việc sử dụng các dịch vụ y tế ở Singapore, Thái Lan, người Việt còn có xu hướng đi Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc và một số quốc gia khác để khám chữa bệnh do không phải chờ đợi và các quốc gia này có dịch vụ chăm sóc người bệnh chu đáo.

Ngày 9/12/2015, website của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tổng doanh thu toàn cầu từ hoạt động du lịch chữa bệnh ước tính vào khoảng 60 tỷ USD/năm với mức tăng thường niên là 20%. Theo WHO, Đông Nam Á trở thành điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch kết hợp khám chữa bệnh.

Theo Bác sĩ Võ Xuân Sơn – nguyên Trưởng khoa phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), từ cách đây 3-4 năm, bệnh viện SGH – một bệnh viện đa khoa ở Singapore đã cho biết một năm có 10.000 người Việt sang khám tại bệnh viện này, mà đó là bệnh viện không tổ chức hoạt động quảng cáo tại Việt Nam.

Việc không tín nhiệm với điều trị trong nước còn được phản ánh qua việc không chỉ những bệnh nặng, ngay cả việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ em, nhiều người vẫn chọn cách ra nước ngoài.

Sang Singapore tiêm vắc xin

Hàng loại những vụ việc trẻ em tử vong do tiêm vắc xin trước đây khiến cho nhiều phụ huynh không tin tưởng vào chất lượng vắc xin trong nước, và giải pháp được lựa chọn là đưa con em mình đến Singapore tiêm vắc xin.

Nhu cầu đưa con sang Singapore tiêm vắc xin tăng cao bắt đầu từ tháng 11 và tháng 12/2015, khi nhiều người lo lắng, mất niềm tin vì một số trường hợp trẻ em bị tử vong do tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ngành y tế đã quyết định nhập khẩu loại vắc xin 5 trong 1 khác là Pentaxim. Do đã mất niềm tin vào loại vắc xin cũ, nhiều người đổ xô cho con tiêm loại vắc xin mới này dù chi phí lên đến khoảng 700.000 đồng cho một mũi tiêm, nhu cầu cao khiến nguồn cung không đủ, phải chờ đợi, xếp hàng, chen lấn rất vất vả.

Rất nhiều người đã chọn giải pháp đưa con sang Singapore để tiêm vắc xin. Văn phòng đại diện cho bốn bệnh viện công của Singapore tại Việt Nam cho biết số lượng đăng ký cho trẻ em đi khám, tiêm vắc xin tăng mạnh từ thời điểm tháng 11/2015 khi mỗi ngày văn phòng nhận được gần 20 lịch hẹn tư vấn, đặt lịch tư vấn để đưa trẻ đi tiêm vắc xin tại Singapore.

ra nuoc ngoai chua benh 2
Thái độ và sự tận tâm của các y bác sĩ trong điều trị tại bệnh viện là một trong những lý do khiến người Việt tìm ra nước ngoài trị bệnh ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa)

Chị Đoàn Ngọc D. ở Lào Cai cho biết trên báo Đất Việt, vào thời điểm con trai chị phải tiêm vắc xin 5 trong 1 thì ở Việt Nam có nhiều thông tin trái chiều về chất lượng vắc xin, nếu muốn trả tiền để có vắc xin tốt cũng phải xếp hàng, nhấn nút chờ tới lượt mình rất mệt mỏi, thậm chí có tiêm được cũng lo không biết có đảm bảo không, nên chị quyết định đưa con ra nước ngoài để tiêm.

Sau khi tìm hiểu, chị quyết định chọn Singapore vì nơi đây miễn thị thực với người Việt Nam, các thủ tập như nhập cảnh, khám chữa bệnh cũng đơn giản và dễ dàng.

Chị chọn tiêm cho con tại Bệnh viện Nhi và Phụ sản KK, vì qua tìm hiểu của chị thì đây là cơ sở y tế lớn nhất tại Singapore, chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc chuyên khoa cho phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Đến bệnh viện KK, chị gặp nhiều người Việt cũng đưa con từ Việt Nam sang đây để tiêm vắc xin.

Chị D kể: “Sang bên này thì khác hẳn, KK hopspital dù là bệnh viện công không phải bệnh viện tư nhưng tất cả đều rất tuyệt vời. Ban đầu vợ chồng tôi lên mạng check rồi hẹn lịch khám với bác sĩ, đến đó y tá sẽ hỏi han rất nhẹ nhàng, chỉ dẫn cho mình rất tận tình, sau đó bác sĩ sẽ khám.

Họ hỏi rất tỉ mỉ về tình hình sức khỏe của bé, nguyện vọng của gia đình, rồi sẽ kiểm tra bé, sau đó tiêm đúng liều, đúng mũi, đúng quy trình. Sau khi mình về rồi thì họ vẫn thường xuyên hỏi han tình hình sức khỏe của bé và tư vấn bất cứ lúc nào mình muốn.

Khi đi sang đến bệnh viện, vợ chồng tôi có cảm giác giống như bước chân vào một khách sạn hạng sang với tiếng nhạc piano du dương, bệnh viện rất sạch sẽ và không mùi cồn, mùi thuốc.

Ở tiền sảnh bệnh viện sẽ có nhân viên hướng dẫn đến phòng bác sĩ và hỗ trợ các thủ tục hành chính cần thiết. Với KK hopspital thì còn có cả khu vui chơi dành riêng cho trẻ, cho nên, chúng tôi vô cùng hài lòng”.

>> Ở Đức, phá thai không phải việc tùy tiện

Vì sao phải ra nước ngoài khám bệnh?

Nhiều người ra nước ngoài khám bệnh không chỉ vì sự hiện đại, kỹ thuật tiên tiến hơn nhiều trong nước, mà còn vì trách nhiệm với bệnh nhân cùng thái độ phục vụ ân cần của các bác sỹ, đây là điều ở Việt Nam không có nhiều bệnh viện làm được, nhất là các bệnh viện công.

Một người dân ở TP.HCM sang Mỹ thăm người nhà, đã mô tả lại quá trình khi đến bệnh viện ở Mỹ để khám: Trước khi đến lịch hẹn khám vài ngày, bệnh viện đã gọi điện thoại nhắc, đúng ngày khám theo lịch, họ lại nhắc lần nữa, đến nơi là được khám ngay mà không phải chờ đợi gì cả. Trong quá trình khám các bác sỹ hỏi han tỉ mỉ, động tác rất nhẹ nhàng, nếu không may hơi mạnh tay một tý thì luôn miệng nói “sorry” vì nghĩ có thể làm người bệnh bị đau.

Một bệnh nhân ở Hải Phòng từng đến Singapore trị bệnh ung thư kể lại trên báo Tuổi Trẻ: Khi trò chuyện, mắt bác sĩ nhìn bệnh nhân chăm chú, ông ấy hỏi rất kỹ từng tình huống bệnh lý, các y tá cũng vậy, họ luôn tươi cười. Khi luồn kim truyền, ống thông… họ đều làm rất nhẹ nhàng. Sự tận tụy chia sẻ của bác sĩ và nhân viên y tế an ủi tôi rất nhiều.

Lúc cận kề cái chết, con người thường mong muốn được sống, lúc ấy tiền bạc không còn nhiều ý nghĩa. Trong khi đó, lúc đi khám ở nhiều bệnh viện trong nước, tôi phải chờ đợi rất lâu và bác sĩ chỉ hỏi có mấy câu là cho đi xét nghiệm, chụp chiếu, đến đâu cũng phải chờ”.

Nhiều người sang Singapore chữa bệnh cho biết khi trở về nước, nếu cần được bệnh viện tư vấn, hỗ trợ, họ vẫn tiếp tục gọi điện thoại, gửi email mô tả tiến trình bệnh tật của mình cho bác sĩ điều trị.

Trần Hưng

Xem thêm: