Bộ Y tế tối 26/7 ghi nhận thêm 5.174 ca COVID-19 (19 ca nhập cảnh và 5.155 ca tại 26 tỉnh thành), trong đó có 380 ca cộng đồng.

covid 19 tphcm 200
Tối 26/7 thêm 5.174 ca COVID-19; TP.HCM nâng công suất tiêm vắc-xin lên 100.000 liều/ngày. (Ảnh: HCDC)

5.155 ca ghi nhận trong nước tại: TP.HCM (4.283), Bình Dương (326), Đồng Nai (134), Đồng Tháp (116), Hà Nội (81), Cần Thơ (36), Đà Nẵng (34), Bình Thuận (25), Phú Yên (20), Bến Tre (18), Đắk Lắk (13), Trà Vinh (13), Vĩnh Phúc (10), Bình Định (8 ), Quảng Nam (8), Lâm Đồng (7), Ninh Thuận (7), Quảng Ngãi (4), Gia Lai (3), Bạc Liêu (2), Nghệ An (2), Tuyên Quang (1), Cà Mau (1), Hòa Bình (1), Đắk Nông (1), Huế (1).

Trong ngày 26/7, Việt Nam ghi nhận 7.882 ca, gồm 23 ca nhập cảnh và 7.859 ca trong nước, chủ yếu tại TP.HCM (5997), Bình Dương (733), Đồng Nai 259), Tiền Giang (201). Trong đó, 887 ca cộng đồng.

2.006 người được công bố bình phục trong ngày (nâng tổng số ca lên 21.344 ca). Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 126. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 15.

Trong ngày 26/7, Bộ Y tế công bố thêm 154 bệnh nhân COVID-19 tử vong (mã số 371 đến 524). Đây là các bệnh nhân tử vong từ ngày 8 đến 25/7. Cụ thể:

  • TP.HCM từ ngày 8 đến 25/7 có 129 ca tử vong;
  • Long An từ ngày 21 đến 25/7 có 7 ca tử vong;
  • Đồng Tháp từ ngày 11 đến 21/7 có 9 ca tử vong;
  • Cần Thơ từ ngày 20 đến 23/7 có 2 ca tử vong;
  • Tại Khánh Hòa ngày 19/7 có 2 ca tử vong;
  • Ninh Thuận ngày 22/7 có 1 ca tử vong;
  • Bắc Ninh ngày 22/7 có 1 ca tử vong;
  • Trà Vinh ngày 23/7 có 1 ca tử vong;
  • Kiên Giang ngày 23/7 có 1 ca tử vong;
  • Đồng Nai ngày 23/7 có 1 ca tử vong.

Như vậy đến nay, Việt Nam đã có 524 bệnh nhân COVID-19 tử vong, chiếm 0,52% tổng số ca mắc (101.173 trường hợp dương tính). Riêng trong đợt dịch thứ 4 này, Việt Nam đã ghi nhận 489 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong.

7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 102.182 xét nghiệm cho 446.460 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay là 5.364.440 mẫu cho 15.428.538 lượt người.

Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 4.613.491 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.223.628 người, tiêm mũi 2 là 389.863 người.

TP.HCM nâng công suất tiêm vắc-xin lên 100.000 liều/ngày

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chiều hôm 26/7 cho biết hiện TP.HCM có 3 loại vắc-xin được cấp là AstraZeneca, Moderna, Pfizer, đều đang tiêm rộng rãi trong cộng đồng.

Theo 3 quyết định của Bộ Y tế, TP.HCM được phân bổ 612.600 liều AstraZeneca, 235.200 liều Moderna và 54.990 liều Pfizer, tổng cộng 902.790 liều. Hiện số lượng vắc-xin đã cấp cho quận, huyện hơn 432.000 liều, số còn lại sẽ chuyển dần theo tiến độ tiêm.

Thống kê từ 14h ngày 22/7 đến trưa nay (26/7), các điểm tiêm trung tâm y tế, cộng đồng và bệnh viện đã tiêm hơn 170.000 liều vắc-xin.

Các điểm tiêm ghi nhận 189 trường hợp có phản ứng sau tiêm, chưa có trường hợp nặng. Phần lớn người có phản ứng là người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, 4 loại trong thông báo với 145 người (chiếm 70%).

Từ mai (27/7), việc tiêm cho người dân sẽ tăng dần, có thể đạt 100.000 mũi tiêm/ngày.

Với tốc độ tiêm trên, TP.HCM có thể hoàn tất kế hoạch tiêm chủng trong 10 ngày liên tiếp; sau đó dành một tuần để tiêm vét.

Theo ông Đức, có khoảng 10% đối tượng được lên danh sách nhưng không thực hiện tiêm vì không đủ điều kiện khi khám sàng lọc, người lao động rời địa phương, người trên 65 tuổi vì nhiều lý do nên không đến.

Lê Hoàn

Xem thêm:

TP.HCM: 5 trường hợp được ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau