Sau ngày 24/4, hạn cuối các chủ thuê bao viễn thông phải nộp bổ sung thông tin và ảnh chân dung nếu không muốn bị khoá số, nhiều người vẫn sử dụng số thuê bao của mình bình thường mặc dù chưa hoặc không đi nộp ảnh. Một số nhà mạng đã gia hạn thời hạn bổ sung thông tin đến 15/5.

03130225.517367.8388
(Ảnh: Pixabay)

Chị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội), chủ thuê bao trả trước mạng Mobifone cho biết chị đã sử dụng số thuê bao này cả hơn chục năm, đã đăng ký chứng minh thư, đây là quan hệ mua – bán sòng phẳng chứ không phải xin – cho, nếu nhà mạng muốn có hình thì đến gặp chị chứ chị sẽ không bỏ công việc để ra nhà mạng chụp hình.

“Bây giờ không thiếu cách để liên lạc, nên dù nhà mạng có cắt tôi cũng vẫn liên lạc được bình thường. Nhưng tôi nghĩ nhà mạng sẽ chẳng dám cắt dịch vụ của mấy chục triệu thuê bao đâu. Đấy là ai? Là khách hàng của họ, là người nuôi sống họ,” chị Lan cho biết.

Cho tới thời điểm hiện tại, lãnh đạo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết vẫn chưa nhận thông tin về việc nhà mạng khóa số của các thuê bao thiếu thông tin sau ngày 24/4.

Một số nhà mạng cũng lý giải, họ không cắt liên lạc sau ngày 24/4 vì đã thông báo gia hạn cho các chủ thuê bao đến 15/5 (Vinaphone, Mobiphone). Ngoài ra, các đơn vị vẫn trong quá trình kiểm tra và phê duyệt rất nhiều thông tin, hồ sơ gửi lên qua các kênh khác nhau của khách hàng.

Theo tính toán của các nhà mạng, còn khoảng 34 triệu thuê bao cần phải đi cập nhật lại thông tin, trong đó có ảnh chân dung.

Các nhà mạng đưa ra việc chụp ảnh bổ sung thông tin đối với chủ thuê bao di động là nhằm thực hiện Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Thế nhưng, nếu phân tích kỹ Nghị định 49 thì có thể thấy các nhà mạng đang làm sai nội dung Nghị định này.

– Nghị định chỉ quy định việc bổ sung thông tin đối với thuê bao thứ 4 trở lên. Nếu nhà mạng khoá thuê bao, đối với những người sử dụng ít hơn 3 thuê bao thì nhà mạng đã vi phạm Nghị định 49.

– Theo Nghị định 49, nếu chủ thuê bao chứng minh mình không nhận được “thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần” thì nhà mạng không có quyền cắt, hoặc tạm dừng dịch vụ.

– Đối với các chủ thuê bao, việc họ thực hiện hợp đồng đầy đủ (trong đó có cả việc chụp hình giấy chứng minh nhân dân nộp nhà mạng), đóng tiền hàng tháng thì hợp đồng đó đã căn cứ trên Luật dân sự. Nếu muốn thay đổi, thì nhà mạng phải “đàm phán lại hợp đồng” với từng chủ thuê bao chứ không có quyền đưa ra một mệnh lệnh yêu cầu khách hàng phải bổ sung thông tin.

Cũng theo Nghị định 49, sau ngày 24/4/2018 thì chính các doanh nghiệp viễn thông mới là đối tượng bị phạt chứ không phải là những khách hàng bị họ dọa “khóa một chiều thuê bao”. Để tránh phạt, các nhà mạng đã bắt tất cả các thuê bao phải đi chụp hình!

Được biết, trong tổng số hàng chục triệu sim thuộc thuê bao trả trước trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, có rất nhiều thuê bao có thông tin không đúng (do sử dụng sim kích hoạt sẵn, sim lưu trữ thông tin người khác). Nhiều người khi kiểm tra thông tin cá nhân đã phát hiện ra mình là chủ của nhiều thuê bao “ma” dù không hề đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao trên.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ quan nhà nước yêu cầu nhà mạng phải quản lý thông tin chính xác và dẫn tới việc khách hàng phải chen chúc xếp hàng cập nhật thông tin, trong khi đó thực ra chính là lỗi của nhà mạng khi phát triển sim trả trước quá “nóng”, lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng để kích hoạt kho sim, chiếm dụng kho số, làm méo mó thị trường.

Như vậy, nhà mạng phải chịu trách nhiệm chứ không phải những khách hàng đang có hợp đồng với họ, tuân thủ theo đúng pháp luật. Nhà mạng phải chịu trách nhiệm cho việc sử dụng kho dữ liệu cá nhân của khách hàng tự kích hoạt sim rác. Trong khi người dân phải mệt mỏi xếp hàng chờ đợi bổ sung thông tin cá nhân để khắc phục cho vi phạm của nhà mạng, thì nhà mạng chỉ phải đối mặt mức phạt hành chính cao nhất 200 triệu đồng là chưa tương xứng với những hậu quả gây ra cho xã hội.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: