Sau khi tôm hùm của người dân tại vịnh Xuân Đài (Phú Yên) chết hàng loạt gây thiệt hại hàng tỷ đồng, nghi do nhà máy xả thải, hàng trăm người dân đã tập trung tại Công ty TNHH Nguyễn Hưng (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) để làm rõ nguyên nhân.

tom hum chet phu yen nguoi dan tap trung tai nha may
Sau khi tôm chết, giá bán tôm từ khoảng 1,5 triệu đồng/kg đã giảm xuống chỉ còn vài chục ngàn đồng/kg. (Ảnh: FB Hà Nguyễn)

Chiều ngày 29/5, hàng trăm người dân ở Phường Xuân Yên và xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) vẫn tiếp tục tập trung tại nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu) để làm rõ việc có hay không nhà máy này xả thải khiến hàng trăm ngàn con tôm hùm của người dân bị chết trong thời gian vừa qua.

Theo ông Lương Công Tuấn – Phó chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, nghi nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng xả thải làm chết tôm, người dân bức xúc tập trung đến nhà máy này từ chiều ngày 27/5. Mặc dù, ngày 28/5, UBND thị xã có tổ chức đối thoại với người nuôi tôm hùm ở địa phương để giải quyết tình trạng tôm hùm nuôi bị chết hàng loạt. Tuy nhiên, ngày 29/5 người dân vẫn tập trung đông tại công ty.

Sở NN&PTNT tỉnh đã lấy mẫu nước tại vùng nuôi tôm đem đi phân tích, kết quả cho thấy môi trường nước ở đây bị ô nhiễm trầm trọng, là nguyên nhân làm tôm chết đột ngột, hàng loạt.

Cụ thể, hàm lượng ôxy hòa tan quá thấp, ở tầng đáy chỉ 1,5 mmg oxy/lít, tầng mặt chỉ 2,5 mmg oxy/lít; trong khi hàm lượng trung bình cho phép trong môi trường thủy sản phải là 5 mmg oxy/lít. Cùng với đó, các chỉ tiêu NH3, PO4,… đều vượt ngưỡng cho phép trong môi trường thủy sản.

Về vấn đề có phải do nhà máy xả thải hay không, ông Tuấn cũng cho biết thêm hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước tại nhà máy để xét nghiệm, sau 7-10 ngày mới có kết quả. Trong trường hợp do công ty xả thải, sẽ xử lý theo sai phạm; nếu nguyên nhân ô nhiễm môi trường nước không phải do nhà máy xả thải thì sẽ giải quyết bằng bằng những biện pháp khác.

Về phía công ty, sau khi làm việc với cơ quan báo chí, ông Nguyễn Hưng Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng cho biết trong 2 tháng qua do công ty mới khắc phục bể khử trùng, bể lắng và nâng cấp công suất hệ thống xử lý nước thải lên khoảng 120 m3/ngày (trước đó là 80 m3/ngày) nên chỉ xử lý đến công đoạn aerotank. Sau đó, công ty dùng xe bồn vận chuyển lượng nước thải này đến nhà máy bột cá Phú Bình (cơ sở 2 của Nguyễn Hưng tại xã Xuân Cảnh, Sông Cầu) để tiếp tục xử lý.

Ông Hòa cũng thừa nhận, việc vận chuyển nước thải trên chưa được báo cáo với cơ quan chức năng, chưa đúng quy trình. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tình thế để hệ thống xử lý nước thải được nâng cấp tốt nhất. Việc tôm của người dân bị chết, cơ quan chức năng đang điều tra. Nếu kết luận công ty vi phạm, công ty chấp nhận bị xử lý theo đúng pháp luật.

Trước đó, từ chiều ngày 24 đến trưa ngày 25/5, nước tại vùng nuôi tôm hùm thuộc khu phố Phước Lý bất ngờ chuyển màu đỏ, khiến hàng trăm ngàn con tôm hùm của người dân tại khu vực này chết hàng loạt gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Theo thống kê đến chiều ngày 29/5, đã có trên 609.000 con tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài chết. Trong đó, xã Xuân Phương có 467.000 con, phường Xuân Yên có 142.800 con. Số tiền thiệt hại của người dân tới nay ước tính đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo kết luận ban đầu của Sở TN&MT Phú Yên, nguyên nhân làm tôm hùm chết là do mật độ nuôi quá dày cả về số lượng lồng nuôi và số tôm trong một lồng (tại thời điểm kiểm tra là 150-300 con/lồng) đối với tôm hùm xanh và 70-75 con/lồng đối với tôm hùm bông. Việc dư thừa thức ăn, chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ đã gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nuôi. Bên cạnh đó, thời tiết bất thường cũng khiến các loài thủy sản nuôi chết ngạt.

Hiện, cơ quan chuyên môn đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân khiến tôm hùm chết tại đây.

Trần Tâm

Xem thêm: