Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang nợ 252 tỷ đồng tiền thuê đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trong giai đoạn 2013-2019, sau khi chỉ trả hơn 129 tỷ đồng đối với phần đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp này hiện kiến nghị Bộ GTVT xem xét xác nhận phần diện tích đất mà doanh nghiệp này được giảm, miễn tiền thuê theo luật định.

duong sat viet nam
Đoàn tàu đi giữa phố Lê Duẩn và Khâm Thiên tại Hà Nội, năm 2014. (Ảnh minh họa: Shepps/Shutterstock)

Nợ mới nợ cũ

Theo báo Giao Thông ngày 25/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa kiến nghị Bộ GTVT xem xét xác nhận diện tích đất thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (số 551 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP. Hà Nội) để được miễn giảm tiền thuê đất, giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

VNR cho biết cơ sở nhà đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ được đầu tư xây dựng theo dây chuyền công nghệ do Chính phủ Ba Lan viện trợ vào năm 1970 để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, chế tạo, sửa chữa, đầu máy toa xe phục vụ cho ngành đường sắt.

Cơ sở công nghiệp này có tổng diện tích hơn 203.000 m2, kết cấu chính gồm: Hệ thống đường sắt bao quanh khổ 1.000mm và 1.435mm, dẫn vào các nhà xưởng, nối thẳng với ga Gia Lâm và nằm trong hệ thống đường sắt quốc gia; Hệ thống kiến trúc, nhà xưởng sản xuất và khu nhà điều hành, kho chứa vật liệu…

Năm 2013, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định cho VNR thuê toàn bộ diện tích này để giao cho Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tiếp tục sử dụng cùng với công trình đã xây dựng làm văn phòng làm việc và cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đến năm 2014, Sở Tài chính TP. Hà Nội phê duyệt đơn giá thuê đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm theo đơn giá thuê đất kinh doanh, áp dụng đối với toàn bộ diện tích hơn 203.000 m2 này, mà chưa chia tách diện tích đất được miễn (đất kết cấu hạ tầng đường sắt), diện tích đất được giảm (hồ điều hòa) tiền thuê với các phần diện tích khác theo đúng hiện trạng quản lý, sử dụng của VNR từ trước.

Theo đó, VNR cho rằng tiền thuê đất đã bị đội lên quá cao, ngành đường sắt không thể thanh toán hết. Sau nhiều lần kiến nghị, cơ quan thuế xác định đường sắt phải trả tiền thuê đất (từ 18/11/2013 đến 31/12/2019) là hơn 380 tỷ đồng. Doanh nghiệp đường sắt đã trả hơn 129 tỷ đồng, còn nợ hơn 252 tỷ đồng tiền thuê đối với phần diện tích mà theo tổng công ty này là diện tích đất kết cấu hạ tầng đường sắt và công trình công nghiệp đường sắt.

“Ngoài ra còn tiền thuê đất và tiền phạt nộp chậm từ năm 2020 đến nay cũng lên con số cả trăm tỷ đồng, một con số khá lớn trong bối cảnh vô cùng khó khăn hiện nay. Nếu được cơ quan có thẩm quyền xác nhận diện tích đất công nghiệp và diện tích đất kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ được giảm, miễn tiền thuê theo luật định”, đại diện VNR cho hay.

Từ đó, doanh nghiệp này kiến nghị Bộ GTVT xem xét, xác nhận diện tích đất thực tế mà tổng công ty đang sử dụng tại cơ sở nhà, đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thuộc đất được miễn, giảm tiền thuê, giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể diện tích đất được kiến nghị xem xét xác nhận gồm: Diện tích đất thuộc đất kết cấu hạ tầng đường sắt nối liên hoàn với đường sắt quốc gia là 63.269 m2; Diện tích đất công trình công nghiệp đường sắt là hệ thống kho, xưởng, công trình bổ trợ, khu xử lý nước thải thuộc dây chuyền công nghệ do Ba Lan thiết kế, xây dựng là 140.604 m2.

TP và các bộ “vênh” nhau

Năm 2020, báo Tiền Phong từng dẫn ý kiến của đại diện VNR – ông Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc cho biết “rắc rối” trên phát sinh từ năm 2013, sau khi các đơn vị thành viên của VNR cổ phần hóa.

Theo thủ tục, sau khi cổ phần hoá, UBND TP. Hà Nội giao VNR thuê lại toàn bộ khu đất trên. Sau đó, VNR sử dụng hơn 122.900m2, phần còn lại giao cho Công ty CP Xe lửa Gia Lâm và Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội sử dụng.

Năm 2014, Sở Tài chính Hà Nội phê duyệt đơn giá thuê đất, thay cho các hợp đồng trước đây (Quyết định số 1030/QĐ-STC ngày 28/2/2014). Tiền thuê đất được tính trên toàn bộ khu đất, với đơn giá hơn 368.276 đồng/m2/năm.

Theo VNR, các quyết định này không phân biệt giữa đất hạ tầng đường sắt và hạ tầng phục vụ đường sắt (lâu nay vốn được miễn tiền thuê đất) với đất phục vụ sản xuất kinh doanh (tính tiền thuê đất). Tiền thuê đất trước đó là 4.550 đồng/m2/năm, chỉ tính đối với đất thuê để sản xuất kinh doanh.

Với diện tích và mức giá thuê nói trên từ Sở Tài chính Hà Nội, số tiền thuê VNR phải trả cho khu đất 551 Nguyễn Văn Cừ lên tới 75 tỷ đồng/năm. Theo đơn giá và cách tính cũ, tiền thuê cả năm là 8,6 tỷ đồng (năm 2013).

Tính chung giai đoạn 2014-2019, tổng số tiền thuê khu đất VNR phải trả là hơn 381 tỷ đồng. Tính tới năm 2019, VNR mới nộp 129 tỷ đồng tiền thuê phần đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh (hơn 80.900m2); còn nợ hơn 252 tỷ đồng cho phần đất kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình phục vụ đường sắt (hơn 122.900m2).

Tháng 10/2020, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục đòi VNR trả phần tiền thuê đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh của giai đoạn trước ngày 1/7/2018 (trước ngày Luật đường sắt 2017 có hiệu lực thi hành). Theo cơ quan này, tính đến ngày 24/9/2020, tổng tiền VNR nợ tiền thuê đất và phạt chậm nộp là hơn 340 tỷ đồng (trong đó tiền thuê đất là 252 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp tính đến ngày 30/6/2020 là 98 tỷ đồng).

Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR – ông Vũ Anh Minh cho rằng UBND TP. Hà Nội và Sở Tài chính tính tiền thuê đất với toàn bộ khu vực Nhà máy xe lửa Gia Lâm không phân chia theo mục đích sử dụng là chưa phù hợp. Hầu hết diện tích đất tại đây là hạ tầng đường sắt quốc gia và công trình phục vụ đường sắt do nhà nước đầu tư, phải thuộc diện được miễn tiền thuê đất.

Theo VNR, doanh nghiệp này đã có nhiều văn bản kiến nghị, họp với các bộ, ngành và lãnh đạo TP. Hà Nội, nhưng tới nay vấn đề trên vẫn chưa xử lý được. Khi Bộ GTVT và Bộ Tài chính đồng ý phân rõ các loại đất và chỉ tính tiền thuê với phần đất sản xuất kinh doanh, phần còn lại được miễn (theo Luật Đường sắt), thì TP. Hà Nội lại chưa thống nhất. Vào thời điểm khác, Bộ GTVT và TP. Hà Nội thống nhất thì Bộ Tài chính lại chưa đồng ý.

Báo Đầu tư năm 2020 cho hay Bộ Tài chính chưa đồng ý với lý do: Công ty Xe lửa Gia Lâm, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội thực hiện cổ phần hóa khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án điều chỉnh việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất tại số 551 Nguyễn Văn Cừ là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Nếu đề xuất tiến hành phân loại loại đất của VNR được chấp thuận, Tổng công ty này và các đơn vị đang thuê lô đất 551 Nguyễn Văn Cừ sẽ đỡ được khoản tiền thuê đất trị giá hàng trăm tỷ đồng phải nộp theo quyết định của Sở Tài chính TP. Hà Nội.

Minh Sơn