Tổng thu ngân sách trong 8 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Hải quan là 294.367 tỷ đồng, bằng 83,6% dự toán, cơ quan này công bố hôm 31/8. Hơn 240 tỷ đồng trong đó từ việc xử lý hơn 10.700 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.168 tỷ đồng.

cuc hai quan tinh quang ninh
Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận và tập huấn triển khai hệ thống Seal định vị GPS điện tử, ngày 21/5/2020. (Ảnh minh họa: quangninh.gov.vn)

Tại thông tin báo chí về tình hình công tác tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan cho biết luỹ kế từ đầu năm đến tháng 8/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu ước tính đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5%, tương ứng tăng 66,63 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 250,80 tỷ USD, tăng 17,3%, tương ứng tăng 37,05 tỷ USD và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6%, tương ứng tăng 29,58 tỷ USD.

Theo đó, tính chung từ đầu năm đến hết tháng 8 năm 2022, cả nước ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (trong tháng 8 ước xuất siêu 2,42 tỷ USD).

Số thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 8 tháng đạt 31.714 tỷ đồng.

Tính gộp hoạt động xuất nhập khẩu và chống thất thu từ buôn lậu, gian lận thương mại, số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 8 tháng đạt 294.367 tỷ đồng, bằng 83,6% dự toán được giao, bằng 79,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 14,6% so với cùng kỳ 2021.

Tính riêng trong một tháng (từ 16/7-15/8), toàn ngành hải quan phát hiện, xử lý 1.324 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 175,334 tỷ đồng. Số thu ngân sách đạt 11,670 tỷ đồng; cơ quan hải quan khởi tố 5 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 14.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8, số vụ việc vi phạm đã phát hiện, xử lý lên tới 10.700 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.168 tỷ đồng. Số thu ngân sách đạt 241,240 tỷ đồng; cơ quan hải quan khởi tố 31 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 83 vụ.

Buôn lậu chủ yếu diễn ra qua đường không, đường bộ

Tổng cục Hải quan cho biết tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại diễn ra phức tạp, đặc biệt trên các tuyến hàng không, đường bộ.

Đối với tuyến đường bộ, tội phạm lợi dụng việc đưa hàng hóa quá cảnh từ các khu vực cảng biển, sân bay gửi kho ngoại quan, sau đó làm thủ tục xuất đi Campuchia hay qua nước thứ 3, rồi dùng mọi thủ thuật quay vòng, cắt chì đánh tráo hàng để đưa hàng vào nội địa tiêu thụ.

Ngoài ra, các nhóm tội phạm thường lợi dụng việc miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để buôn lậu, gian lận thương mại…

Đối với tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, thủ đoạn là chia nhỏ hàng hóa, gửi theo đường quà biếu, quà tặng gửi chuyển phát nhanh, khai báo trị giá hàng hóa thấp để vận chuyển hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa có trị giá cao vào thị trường Việt Nam. Khi bị phát hiện, các đối tượng từ chối nhận hàng, yêu cầu hoàn trả hàng cho người gửi.

“Việc vận chuyển hàng cấm, hàng quản lý theo công ước quốc tế tiếp tục diễn ra với nhiều hình thức, thủ đoạn tiếp diễn”, Tổng cục Hải quan nhận định.

Cựu cán bộ hải quan hùn vốn buôn lậu đường

Ngày 6/6, TAND tỉnh An Giang đưa ra xét xử một cựu cán bộ Cục hải quan tỉnh An Giang cùng bốn đồng phạm về tội Buôn lậu.

Năm 2019, Nguyễn Hồng Cường (SN 1981, ngụ TP Cần Thơ), Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc tế Hồng Anh Long (trụ sở ở tỉnh Kiên Giang) có mua bán đường cát với Trần Văn Sỉ (SN 1972, ngụ tỉnh An Giang).

Đầu năm 2020, khi Nhà nước có chính sách cho nhập khẩu đường cát, ông Sỉ rủ ông Cường và ông Bùi Quốc Việt (SN 1973, ngụ TP Châu Đốc, An Giang, là cựu cán bộ Hải quan tỉnh An Giang) cùng hùn tiền nhập lậu đường cát từ Campuchia vào Việt Nam bán lại, lợi nhuận chia đều.

Ông Cường hùn 500 triệu và đại diện Công ty Quốc tế Hồng Anh Long đứng tên trong hợp đồng mua đường cát của công ty bên Campuchia và bán đường nhập lậu trong nội địa. Ông Sỉ hùn tiền đặt cọc mua đường 50.000 USD, chi phí vận chuyển từ Campuchia đến chốt kiểm soát Hải quan An Phú. Còn ông Việt hùn 500 triệu đồng và có trách nhiệm làm tem nhãn phụ, làm hồ sơ thủ tục khai báo Hải quan nhập khẩu đường cát đưa cho Cường.

Cả ba người đã bắt tay thực hiện các nhập lậu đường. Lần 1 vận chuyển trót lọt được 80 tấn đường từ Campuchia về Việt Nam, trị giá gần 900 triệu đồng. Lần 2, nhóm này vận chuyển 100 tấn đường cát, trị giá gần 1,2 tỷ đồng thì bị bắt vào ngày 12/10/2020.