Năm 2021, với tổng cộng 507.861 cuộc gọi được tiếp nhận, bình quân mỗi phút Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận một cuộc gọi. Sang 3 tháng đầu năm 2022, con số này đã tăng lên bình quân 1,5 cuộc gọi mỗi phút. 

tong dai tre em 111 1
Số vụ trẻ em bị xâm hại, bao gồm xâm hại bạo lực, xâm hại tình dục có xu hướng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng. (Ảnh minh họa: Zoeytoja/Shutterstock)

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong quý 1/2022, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 202.098 cuộc gọi đến (trung bình 1,5 cuộc gọi/phút). Trong đó, Tổng đài 111 tư vấn 10.603 ca, tăng 3.333 ca (tương ứng 45,8%) so với cùng kỳ năm 2021.

502 ca được Tổng đài 111 hỗ trợ, can thiệp. Trong đó, có 323 ca trẻ em bị bạo lực (tăng 146 ca, tăng 82,4% so với cùng kỳ 2021); 43 ca bị xâm hại tình dục (giảm 11 ca); 62 ca bị bóc lột (tăng 24 ca); 25 ca trẻ em gặp khó khăn liên quan đến pháp luật (tranh chấp quyền nuôi con, nhập quốc tịch, làm giấy khai sinh) và 49 ca về các vấn đề khác.

Số vụ trẻ em gặp khó khăn trên thực tế là lớn hơn nhiều. Tổng thợp theo nguồn từ điểm báo, đơn thư… của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong ba tháng đầu năm 2022, cả nước có 147 trẻ em bị xâm hại (tăng 30 trẻ so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, 52 trẻ em bị bạo lực, 31 trẻ em bị xâm hại tình dục, 25 trẻ em vi phạm pháp luật, 13 trẻ em bị bắt cóc, mất tích, 26 trẻ em bị bỏ rơi. Con số trên chưa bao gồm 53 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó 45 trẻ tử vong (42 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước).

Ba vụ án thảm khốc vừa xảy ra liên tiếp là vụ bạo hành bé gái 8 tuổi ở TP.HCM, vụ bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu ở Hà Nội, vụ ném con gái 5 tuổi xuống sông ở Quảng Nam.

Trong năm 2021, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 507.861 cuộc gọi đến (trung bình 1 cuộc gọi/phút) tiếp nhận 1.651 lượt thông báo qua ứng dụng app và zalo của tổng đài. Có tổng cộng 35.385 ca được tư vấn (tăng 5.878 ca so với năm 2020); hỗ trợ, can thiệp 1.257 ca (gồm 1.033 ca tiếp nhận qua điện thoại, 194 ca thông tin từ báo chí, mạng xã hội; 9 ca qua đường công văn; 21 ca người dân gửi đơn thư tới).

Tổng đài 111 kết nối, can thiệp 1.257 ca (giảm 3% ca so với năm 2020). Trong đó có 625 ca bạo lực trẻ em, chiếm 49,72%; 205 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 16,31% (giảm 102 ca so với năm 2020).

TP Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố có số vụ việc trẻ em cần hỗ trợ, can thiệp cao nhất cả nước (Hà Nội 247 ca, chiếm 19,65%; TP.HCM 198 ca, chiếm 15,75%).

Trên thực tế, con số trẻ em được phát hiện là nạn nhân bị xâm hại qua Tổng đài 111 chỉ chiếm một phần nhỏ. Theo báo cáo của Bộ Công an, trong năm 2021, trên toàn quốc phát hiện xảy ra 1.914 vụ xâm hại trẻ em, với 2.198 đối tượng, 1.987 em bị xâm hại. Con số này giảm 31 vụ so với năm 2020, song tại 19 tỉnh số vụ lại tăng trên 15% và 15 tỉnh, thành phố số vụ tăng dưới 15%.

Năm 2020, cuộc gọi tư vấn chuyên sâu về vấn đề xâm hại, bạo lực của tổng đài này chiếm đến 47,4% (tăng 7,2% so với năm 2019); thứ đến là các cuộc gọi tư vấn về các vấn đề liên quan đến pháp luật, chiếm 20,1% (tăng 3,1% cùng kỳ).

tong dai 111
Trong các cuộc gọi tư vấn chuyên sâu của Tổng đài 111 trong năm 2020, số cuộc tư vấn liên quan đến xâm hại, bạo lực chiếm tỷ trọng cao nhất, hơn 47%. (Biểu đồ: tongdai111.vn)

Tính trong 17 năm hoạt động, từ năm 2004-2021, Tổng đài 111 đã nhận được trên 4,5 triệu cuộc gọi, trong đó, tư vấn 410.552 ca; hỗ trợ, can thiệp cho 6.923 trường hợp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, trẻ bị lạc, bị bỏ rơi, trẻ cần hỗ trợ về tài chính…

Trong số 410.552 ca được tư vấn của Tổng đài, có 17.253 ca tư vấn về xâm hại, bạo lực (chiếm 4,2%), 94.319 ca tư vấn liên quan đến những khó khăn của trẻ em trong quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình, với bạn bè, thầy cô giáo và cộng đồng (22,9%); 42.551 ca tư vấn liên quan đến sức khỏe thể chất của trẻ em (10,3%), 18.766 ca tư vấn liên quan đến tâm lý của trẻ em (4,5%), 17.675 về sức khỏe sinh sản (4,3%), 19.495 ca tư vấn về pháp luật (4,7%)…

Tổng cộng có 6.923 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, mua bán… được tổng đài này can thiệp, hỗ trợ. Trong đó, có 2.721 trẻ em là nạn nhân bị bạo lực (chiếm 39,3%) và 2.155 trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục (31,1%).

24/24h hỗ trợ tư vấn, chuyển cuộc gọi

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ Trẻ em 111 được ra đời vào năm 2004 với tên gọi là Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em – Phím số diệu kỳ 18001567.

Ban đầu, Đường dây tư vấn là một hợp phần của dự án “Lao động trẻ em, trẻ em đường phố hồi gia và Bảo vệ trẻ em di cư” do tổ chức Plan international tại Việt Nam tài trợ, đến năm 2006, đường dây này trở thành dịch vụ công.

Theo cơ quan quản lý – Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Tổng đài 111 hoạt động 24/24h tất cả các ngày trong tuần. Người dân có thể gọi đến tổng đài bất kỳ lúc nào khi phát hiện các trường hợp, hành vi nghi ngờ trẻ em bị bạo lực, bạo hành. Ngoài gọi đến Tổng đài 111, người dân có thể tải ứng dụng 111 để gửi các video có hành vi xâm hại trẻ em cho Tổng đài 111 hoặc phản ánh qua YouTube, fanpage 111…

Nguyễn Quân