Đồng thời với việc chuyển F0 ít nguy cơ về cách ly tại địa phương, TP.HCM đang xin Bộ Y tế hỗ trợ 1.000 bác sĩ, gồm 100 bác sĩ chuyên về hồi sức, 900 bác sĩ khám và điều trị; 4.000 điều dưỡng và kỹ thuật viên… Yêu cầu cần bổ sung nhân lực y tế được đưa ra khi tổng số ca nhiễm tại TP này vượt 50.400 ca sau chưa đầy hai tháng ghi nhận dịch. 

hem co f0 tphcm
Người dân đứng trong nhà nhìn ra xe cứu thương và người mặc đồ bảo hộ trong con hẻm 1041/80 Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM), chiều 22/7. (Ảnh: Cậu Út/Tôi là dân quận 7/Facebook)

Trong công văn do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký ngày 23/7, UBND TP này đề xuất Bộ Y tế điều lực lượng nhân viên y tế của các bệnh viện trung ương, bộ ngành có trụ sở tại TP.HCM tham gia vào các hoạt động phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 tại TP HCM.

Cụ thể, TP.HCM báo cần thêm 1.000 bác sĩ (gồm 100 bác sĩ chuyên về hồi sức, 900 bác sĩ khám và điều trị); 4.000 điều dưỡng và kỹ thuật viên (gồm 300 điều dưỡng chuyên về hồi sức, 3.600 điều dưỡng, 100 kỹ thuật viên).

Hiện TP.HCM đang tiếp nhận hỗ trợ từ 1.936 nhân viên y tế từ 25 bệnh viện trung ương, bộ, ngành và Sở Y tế các tỉnh, thành phố khác, chưa kể 1.601 giảng viên, sinh viên do Bộ Y tế huy động để tham gia vào việc điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.

Trưa 24/7, Sở Y tế TP.HCM cho biết tình hình số F0 tiếp tục tăng cao, tương ứng số ca nặng, nguy kịch và tử vong tiếp tục tăng (tính đến hết ngày 21/7 là hơn 35.000 trường hợp F0 với 2.106 người bệnh cần hỗ trợ hô hấp và 382 ca tử vong. Ngành y tế TP tiếp tục điều chỉnh việc thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 theo hệ thống 5 tầng, gồm:

(1) Các cơ sở cách ly tập trung F0 tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức: dự kiến thu dung khoảng 50% trong tổng số F0;

(2) Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19: dự kiến thu dung khoảng 27% trong tổng số F0;

(3) Bệnh viện điều trị COVID-19 các trường hợp có triệu chứng: dự kiến thu dung khoảng 10% trong tổng số F0;

(4) Bệnh viện điều trị COVID-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa: dự kiến thu dung khoảng 8% trong tổng số F0;

(5) Bệnh viện hồi sức COVID-19: dự kiến thu dung khoảng 5% trong tổng số F0.

thap 5 tang dieu tri covid 19
Mô hình tháp 5 tầng trong thu dung và điều trị người mắc COVID-19 tại TP.HCM. (Biểu đồ: medinet.hochiminhcity.gov.vn)

Theo đó, các mô hình điều trị đang được ngành y tế TP liên tục chuyển đổi theo hướng phân nhóm theo tình trạng của F0, thời gian chuyển đổi ngày càng rút ngắn.

Vào ngày 26/6, mô hình điều trị “tháp 3 tầng” được Sở này công bố, với tổng quy mô 15.000 giường (gồm BV dã chiến, BV điều trị F0 có triệu chứng, BV hồi sức chuyên sâu). Ngày 12/7, mô hình “tháp 4 tầng” được đưa ra, quy mô 36.700 giường (gồm BV dã chiến, BV điều trị F0 có triệu chứng, BV điều trị F0 có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm, BV hồi sức chuyên sâu). Với việc chuyển F0 không triệu chứng về cách ly tập trung tại địa phương, mô hình “tháp 5 tầng” chính thức được Sở Y tế công bố vào ngày 24/7 như nêu trên.

Đối với tình hình ngoài cộng đồng, vào tối 22/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM – ông Nguyễn Văn Nên ký Chỉ thị số 12/2021 “về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16”. Sang ngày 23/7, UBND TP chính thức thông báo áp dụng “Chỉ thị 16 tăng cường” từ 0h ngày 24/7 đến hết ngày 1/8 (9 ngày), tăng thêm các yêu cầu giãn cách.

Trong các khu phong tỏa, người dân chỉ được ra khỏi nhà khi cần cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, dùng phiếu đi chợ, siêu thị do địa phương cấp). Với một số khu vực nguy cơ rất cao, người dân chỉ ở trong nhà, chính quyền mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng hộ.

Trong các khu cách ly, người đang cách ly phải tuyệt đối không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).

Các gia đình có F0, F1 đang cách ly tại nhà phải thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế); lương thực, thực phẩm thiết yếu do chính quyền cung cấp tại nhà.

Các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao, yêu cầu là triệt để giãn cách giữa cá nhân với cá nhân.

Mức kiểm soát được nâng lên khi thời hạn áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7 chưa kết thúc. Vào sáng 24/7, tổng số ca nhiễm tại TP đã lên 52.544 ca; 9.178 người đang cách ly tập trung; 38.262 người đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Việt Nam lựa chọn ra sao khi quyết định tạm “đóng cửa” 19 tỉnh phía Nam?