UBND TP.HCM dự kiến sẽ miễn học phí 100% tiền học phí, tiền buổi 2 dành cho học sinh là người tộc thiểu số ở tất cả các cấp học. 

nguoi thieu doi tphcm
Một xóm người tộc Khmer (quê Tiểu Cần, Trà Vinh) bị mắc kẹt ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, tháng 8/2021. “Hai tháng thất nghiệp và đói khổ trăm bề kèm theo giao tiếp khó khăn…” – theo ghi chép của anh Lê Phong (Ảnh: Phong Bụi/Trạm cơm 0 đồng/Facebook)

Ngày 25/9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Dương Anh Đức ký văn bản 3130/UBND-VX, gửi các Bộ Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, xin ý kiến để TP trình Thường trực HĐND thông qua, ra nghị quyết về chính sách miễn học phí và và chi phí học tập cho học sinh, học viên cao học là người thuộc tộc thiểu số.

UBND TP.HCM xây dựng chính sách miễn học phí, phí học 2 buổi/ ngày cho học sinh, đồng thời hỗ trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số đến năm 2025

Cụ thể, TP.HCM sẽ miễn 100% học phí và tiền tổ chức học buổi 2 đối với học sinh là người tộc thiểu số tại TP.HCM, áp dụng cho 2 nhóm:

Học sinh các tộc Chăm, Khmer đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường chuyên biệt.

Học sinh các tộc thiểu số còn lại thuộc hộ cận nghèo tại TP.HCM đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường chuyên biệt.

Ngoài ra, TP dự kiến sẽ hỗ trợ chi phí học tập cho các học viên cao học, nghiên cứu sinh là người tộc thiểu số từ năm 2022-2025, là người tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú ở TP.HCM, đang theo học tại các Viện nghiên cứu, Học viện, trường đại học trong cả nước có chức năng đào tạo sau đại học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chính sách này không áp dụng cho những người đang theo chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của thành phố, học viên cao học, nghiên cứu sinh được đào tạo toàn phần ở nước ngoài, đào tạo theo các chương trình liên kết đúng với quy định của pháp luật về hợp tác đầu tư, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, TP.HCM có gần 9 triệu dân, đủ 54 tộc người. Trong đó, đông nhất là tộc người Kinh với hơn 8,5 triệu người (chiếm 94,8%) và 470.000 người (5,2%) thuộc 53 tộc người khác.

Một số tộc người có số dân cư tại TP lớn như tộc người Hoa (gần 382.000 người, chiếm 81,23% trong tổng số người thuộc tộc thiểu số), người Khmer (gần 50.300 người, chiếm 10,7%), người Chăm (gần 10.400 người, chiếm 2,21%). Ngoài ra là người thuộc các tộc thiểu số đến từ Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…

Một số quận tập trung lớn người thuộc tộc người thiểu số như: quận 11 (gần 39.000 người); quận 6 (gần 30.000 người); quận Bình Tân (gần 29.000 người); quận 5 (gần 25.000 người); quận 8 (hơn 18.300 người); quận Tân Phú (gần 15.000 người)…

Theo công bố của giới chức TP, từ năm 2013, TP đã hỗ trợ cho 10.415  học sinh tộc người Chăm, Khmer, tổng kinh phí hơn 10,2 tỷ đồng; từ năm 2016, hỗ trợ 16 học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc tộc người Hoa thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của TP đang học tại các viện nghiên cứu, học viện và các trường đại học trong cả nước (bao gồm trường công lập và ngoài công lập) có chức năng đào tạo sau đại học theo quy định của Bộ GD-ĐT, với kinh phí 134,6 triệu đồng.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

Sở GD-ĐT TP.HCM: Đề xuất miễn học phí kỳ I cho học sinh từ mẫu giáo đến phổ thông