Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM thừa nhận có tâm lý lo ngại khi mua sắm thuốc vì sợ sai phạm, song khẳng định hiện tại TP không thiếu thuốc. Đề án thành lập trung tâm mua sắm tập trung phục vụ nhu cầu y tế do Sở này xây dựng đang được lấy ý kiến trước khi trình lên TP. 

pho chanh van phong so y te tphcm le thien quynh nhu
Bà Lê Thiện Quỳnh Như – Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM tại buổi họp báo chiều 16/6. (Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn)

Chiều 16/6, tại cuộc họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế- xã hội của TP.HCM, trước câu hỏi của phóng viên TP.HCM có thiếu thuốc hay không, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM nói sau khi họp với 77 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cũng như các trung tâm y tế để xác định thì Sở khẳng định TP không thiếu thuốc.

Bà Như cho biết thời gian gần đây sự cố liên quan việc mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế xảy ra khá nhiều tại các tỉnh thành. Do đó, nhân viên y tế có tâm lý lo ngại khi mua sắm thuốc vì sợ sai phạm. Riêng tại TP.HCM, Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất công tác thanh tra tại các bệnh viện về công tác mua sắm, kết quả sẽ được công bố trong nay mai – mốc thời gian không được nêu cụ thể.

Bà cho biết thêm hầu hết bệnh viện của TP đã có kết quả đấu thầu thuốc, chỉ còn vài bệnh viện trong 2 tháng tới sẽ có kết quả. Đại diện Sở Y tế khẳng định việc cung ứng thuốc khá ổn định, Sở Y tế cũng đã duyệt kế hoạch mua sắm thuốc bổ sung cho các bệnh viện trong thời gian chờ kết quả đấu thầu.

“Hai tháng trước đây có hiện tượng thiếu thuốc cục bộ, chỉ là một vài loại thuốc ở bệnh viện, nhưng nay đã cung ứng đủ”, bà Như nói, cho rằng ngoại trừ một số loại thuốc khá quý hiếm nhiều năm qua, không chỉ thiếu tại TP.HCM mà trên cả nước thì các nhóm này cần sự quan tâm của Bộ Y tế.

Về vấn đề cung ứng lâu dài, bà Như cho biết Sở Y tế đã xây dựng đề án thành lập trung tâm mua sắm tập trung. Việc này là làm theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM.

“Giai đoạn đầu, dự kiến tập trung mua thuốc; khi đi vào ổn định mới tiến hành mua sắm tập trung vật tư, trang thiết bị y tế. Việc này nhận được sự đồng thuận cao”, bà Như cung cấp thông tin.

Hiện đề án đang được lấy ý kiến các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, chưa được trình UBND TP.

BHYT không yêu cầu người dân mua thuốc bên ngoài

Tại cuộc họp báo 16/6, nói về việc thiếu thuốc BHYT, bệnh nhân phải tự mua ngoài, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho hay về nguyên tắc kê đơn ngoại trú, không có việc các bệnh viện, cơ sở y tế buộc bệnh nhân phải mua thuốc bên ngoài.

Bà Như giải thích một số thuốc biệt dược vẫn có thuốc thay thế là generic. Tuy nhiên, do sử dụng quen thuốc biệt dược, nhiều bệnh nhân không chấp nhận sử dụng thuốc thay thế. “Khi đó, bệnh nhân đồng thuận tự mua 1 trong 2 nhóm thuốc để đáp ứng nhu cầu của mình”, bà Như nói.

Báo Vnexpress ngày 10/6 đưa tin nhiều bệnh viện ở Cần Thơ, Hậu Giang, Khánh Hòa, TP.HCM, Thái Bình, Bắc Giang, Hà Giang… vài tháng qua thiếu một số thuốc, vật tư y tế do chậm đấu thầu mua sắm, gây ảnh hưởng tới bệnh nhân.

Các địa phương, bệnh viện đều chỉ ra nguyên nhân thiếu thuốc chủ yếu là do khó khăn trong đấu thầu, mua sắm; do nguồn thuốc men, vật tư y tế nhập từ nước ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên nguồn hàng khan hiếm, giá cao.

Ông Nguyễn Đình Thoan, Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho hay giá kế hoạch được xây dựng trong kế hoạch đấu thầu thuốc (giá muốn mua) đang thấp hơn giá của công ty muốn bán. “Khi xây dựng giá kế hoạch để trình Sở Y tế, một số mặt hàng thuốc chưa tăng giá. Đến khi bệnh viện mở thầu, giá cũ này không còn phù hợp với giá thuốc mới của công ty vừa trúng thầu”, ông Thoan nói.

Một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM (không nêu danh tính) cho rằng những sự cố gần đây liên quan đến thanh tra, kiểm toán, điều tra về mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên phạm vi cả nước, ít nhiều có tâm lý lo lắng của các nhà quản lý bệnh viện khi tiến hành đấu thầu mua sắm theo quy định.

Báo Tuổi Trẻ ngày 14/6 cho hay tại Bệnh viện K3 Tân Triều (Hà Nội) ngày 13/6, một người nhà bệnh nhân phải ra ngoài tìm mua kim truyền dịch với giá 3.000 đồng/cây do nhà thuốc bệnh viện không bán. Tình trạng người bệnh phải tự mua kim truyền dịch hay một số vật tư y tế khác đã xảy ra khoảng một năm gần đây tại bệnh viện này.

Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa y tế công cộng Đại học Y dược TP.HCM nói hiện nay danh mục thuốc bảo hiểm y tế ở trạm y tế rất ít. Còn tại bệnh viện, thiếu thuốc là do một số mặt hàng đã tăng giá, việc đấu thầu khó, trong thời điểm nhạy cảm bệnh viện phải làm thủ tục rườm rà.

“Để giải quyết vấn đề này, ngành y tế TP.HCM cần phải đẩy nhanh việc xét duyệt, hướng dẫn hồ sơ thầu nhanh chóng cung ứng thuốc cho bệnh nhân”, ông Dũng đề xuất.

Minh Sơn