Yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế thành lập các “Trạm đo SpO2 và thở oxy” tại các khu phố và tổ dân phố để hỗ trợ cho người F0 thở oxy khi chờ đội phản ứng nhanh đến – là nội dung mới được đưa vào bản “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” cập nhật ngày 17/8 của Sở Y tế TP.HCM. 

oxy covid 19
Hàng người chờ đợi để đổ đầy bình oxy y tế trong đợt dịch COVID-19 tăng cao tại Jakarta, Indonesia, ngày 25/6/2021. (Ảnh minh họa: Wulandari Wulandari/Shutterstock)

Sau hai bản cập nhật “Hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 cách ly tại nhà”, phiên bản 1.1 – ngày 10/8 và phiên bản 1.2 – ngày 15/8, Sở Y tế TP.HCM cập nhật tiếp phiên bản 1.3 ngày 17/8, áp dụng đối với F0 mới phát hiện tại cộng đồng.

So sánh giữa hai phiên bản gần nhất, 1.2 và 1.3, điều kiện cách ly F0 mới tại nhà nâng từ dưới 45 tuổi lên dưới 50 tuổi.

Các điều kiện khác giữ nguyên, gồm: không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút), không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì; F0 có khả năng tự chăm sóc bản thân; có máy đo SpO2 cá nhân để theo dõi SpO2 thường xuyên; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế…

F0 cần tự chăm sóc sức khỏe tại nhà như thế nào?

Theo bản hướng dẫn của Sở Y tế TP, các F0 cần:

Mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân; thay khẩu trang 2 lần/ngày hoặc khi cần, sát khuẩn tay bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang.

Thường xuyên sát khuẩn tay, khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo…

Đo thân nhiệt, SpO2 (nồng độ oxy trong máu – nếu có) tối thiểu 2 lần/ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt, khó thở. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất một lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử”.

Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước. Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.

Có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ (tổng đài 1022, số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện, TP Thủ Đức).

Tất cả thành viên ở cùng nhà với F0 phải khai báo sức khỏe qua phần mềm “Khai báo y tế điện tử” mỗi ngày ít nhất một lần hoặc khi cần.

Các toa thuốc điều trị cho F0 tại nhà

Các thuốc điều trị tại nhà bao gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng vi rút và các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định (riêng thuốc kháng vi rút sẽ có hướng dẫn sử dụng khi có hướng dẫn của Bộ Y tế).

Chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống: người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có)  chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Toa thuốc điều trị COVID-19 tại nhà (dành cho người lớn) theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM:

thuoc tu dieu tri cho f0 phien ban 1.3 tphcm
Hướng dẫn sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà của F0, bản cập nhật ngày 17/8. (Nguồn: Sở Y tế TP.HCM)

Lưu ý:

  • Thời gian sử dụng thuốc: tối đa 7 ngày
  • Chỉ dùng cho người trên 18 tuổi và thận trọng khi sử dụng cho người trên 80 tuổi
  • Chống chỉ định: phụ nữ mang thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu
  • Khi sử dụng cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết (như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa…)

F0 cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly. Người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19 sẽ đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm tầm soát.

Cần gọi hỗ trợ cấp cứu cho F0 ngay khi:

F0 có một trong các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở thì liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài 1022 (bấm số 3 để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM hoặc số 4 để được tư vấn từ “Thầy thuốc đồng hành”).

F0 có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) thì liên hệ ngay tổng đài 115 hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Sở Y tế TP yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế thành lập các “Trạm SpO2 và thở oxy” tại các khu phố và tổ dân phố để hỗ trợ cho người F0 thở oxy trong khi chờ tổ phản ứng nhanh tới hỗ trợ. Thay đổi này đưa ra chỉ 2 ngày sau bản cập nhật 1.2 (ngày 15/8).

ban do covid 19 tphcm
(Trái) Bản đồ dịch COVID-19 tại các quận, huyện, TP thuộc TP.HCM; (phải) các con số tổng và số ca mới trong ngày 17/8 tại mỗi quận, huyện, TP. (Nguồn: covid19.hochiminhcity.gov.vn)

Trong ngày 17/8, số người nhiễm virus Vũ Hán được phát hiện trong cộng đồng tại TP.HCM tiếp tục tăng cao, lên tới 1.435 người; chưa kể 1.133 người được phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện; tổng cộng chiếm tới 72,5% tổng số ca nhiễm mới (3.540 ca, theo Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM).

Số ca nhiễm phát hiện trong khu cách ly và khu phong tỏa lần lượt là 475 ca và 497 ca, chiếm 27,5%.

Trong đó, quận Bình Thạnh có số ca nhiễm cộng đồng trong ngày cao nhất, 310 ca; kế đến là các quận Tân Bình (259 ca), quận 3 (220 ca), huyện Hóc Môn (194 ca)…

Ngày liền trước, ngày 16/8, số F0 trong cộng đồng tại TP này chiếm 53%, số ca trong khu phong tỏa, cách ly chiếm 41% trong tổng 3.342 ca nhiễm mới.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

TP.HCM kiến nghị khẩn cấp cứu đói hơn 4,7 triệu người; Bộ Y tế ‘khoanh’ F0 mới ngay tại nhà