Giới chức TP.HCM muốn đầu tư 2 dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn và khu vực Tham Lương – Bến Cát, tổng vốn hơn 16.000 tỷ đồng.

ngap tphcm
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), tại thành phố hiện có 735 tuyến đường trục chính. Qua theo dõi tình hình mưa, ngập nước năm 2021, trong năm 2022 có thể xảy ra ngập ở 15 điểm. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Phó chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng vừa trình HĐND thành phố dự án trình bày tờ trình về việc cho ý kiến chủ trương đầu tư hai dự án về cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn có tổng mức đầu tư hơn 8.120 tỷ đồng, tương đương 350 triệu USD.

Dự án này được Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ, vốn vay ưu đãi là hơn 6.960 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là hơn 1.160 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị dự án là từ năm 2021 đến năm 2023, giai đoạn thực hiện dự án từ năm 2023-2028.

Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải, tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngập nước và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đối với dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát, tổng mức đầu tư là 8.168 tỷ đồng.

Dự án cũng được Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ với vốn vay ưu đãi hơn 6.670 tỷ đồng, vốn đối ứng của thành phố là hơn 1.370 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại 116 tỷ đồng.

Giai đoạn chuẩn bị dự án là từ năm 2021 đến năm 2023, giai đoạn thực hiện dự án từ năm 2023 – 2028. Việc sử dụng các nguồn vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại và vốn đối ứng được phân kỳ theo 2 giai đoạn 2023 – 2025 và 2026 – 2028.

Dự án hướng tới mục tiêu thực hiện quy hoạch chống ngập và thoát nước khu vực trung tâm TP.HCM.

Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, dự án sẽ giúp cải thiện năng lực kiểm soát mực nước triều và thu gom, thoát nước mưa, nước thải của kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên cùng khu vực kênh nhánh với diện tích hơn 4.480ha.

Hà Nội thành ‘sông’ sau mưa lớn: Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói nên ‘xây bể ngầm chống ngập’

TP.HCM còn nhiều tuyến đường ngập do mưa, triều cường

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), tại thành phố hiện có 735 tuyến đường trục chính. Qua theo dõi tình hình mưa, ngập nước năm 2021, trong năm 2022 có thể xảy ra ngập ở 15 điểm.

Trong 15 điểm ngập có chín điểm trên tuyến đường ở các quận là Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp); Phan Anh (quận Bình Tân – quận Tân Phú); Bạch Đằng (quận Bình Thạnh – quận Tân Bình); Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân); quốc lộ 13, Ba Vân, Bàu Cát (quận Tân Bình). Sáu tuyến ngập còn lại thuộc TP. Thủ Đức là Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Thảo Điền, Kha Vạn Cân, Quốc Hương và Nguyễn Văn Hưởng.

Điểm ngập tức thời trong mưa (nước rút < 30 phút) có 24 điểm là các tuyến đường Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Đồng, Lê Thị Hoa, tỉnh lộ 43, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp…

Theo Sở Xây dựng thành phố, nếu đỉnh triều đạt +1,71 m sẽ có 9 điểm ngập gồm các tuyến đường Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, quốc lộ 50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Quang Nghị, Nguyễn Thị Thập, Tôn Thất Thuyết.

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết nguyên nhân xuất hiện những điểm ngập ở khu trung tâm có thể do một số hoạt động xây dựng hiện hữu gây nên. Ngoài ra, do đây là những cơn mưa đầu mùa nên công tác vệ sinh cống rãnh có thể chưa được tốt. Đối với những điểm ngập mới, TP cần tìm ra nguyên nhân để đưa ra hướng giải quyết.

“Về lâu dài, ngoài công tác quy hoạch cải tạo hệ thống thoát nước, TP nên nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước. Thiết kế đường sá, nhà cửa, trường học, bệnh viện sao cho có nơi thoát nước. Đối với những bãi giữ xe, nếu không cần thiết làm bê tông thì không nên làm để có nơi thoát nước”, ông Quân nói.

Hàng loạt dự án ở TP.HCM đội vốn

Bà Phan Thị Thắng cũng đã trình 16 tờ trình tăng tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện các dự án chậm triển khai.

Các dự án này được phê duyệt giai đoạn 2016 – 2020 với tổng vốn đầu tư 5.759 tỷ đồng, nay điều chỉnh thành 11.870 tỷ đồng (tăng 6.111 tỷ đồng).

Một số dự án có tỷ lệ tăng khá cao như dự án cải tạo kênh Hàng Bàng đoạn từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng (quận 5) tăng từ 188 tỷ đồng lên 779 tỷ đồng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh) từ 400 tỷ đồng lên gần 800 tỷ đồng; nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) tăng từ 667 tỷ đồng lên 1.640 tỷ đồng; cầu Tăng Long (TP. Thủ Đức) tăng từ 450 tỷ đồng lên 688 tỷ đồng…

Lý do đội vốn chủ yếu do dự án chậm triển khai, vướng mặt bằng dẫn đến kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng theo. UBND TP.HCM cũng kiến nghị bổ sung hơn 8.500 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Hoàng Minh