Cầu sắt Bình Lợi cũ trên sông Sài Gòn được phá dỡ với tổng kinh phí lên tới 18,9 tỷ đồng.

cầu sắt Bình Lợi cũ, TP.HCM
Cầu sắt Bình Lợi cũ. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Cầu sắt Bình Lợi là chiếc cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng (năm 1902). Cầu dài 276m, gồm 6 nhịp với độ tĩnh không thông thuyền 1,8m nên có nhịp cầu quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại, theo Tuổi trẻ.

Do có tuổi đời cả thế kỷ và bị xuống cấp nghiêm trọng, cây cầu còn ảnh hưởng đến giao thông đường thủy khi độ tĩnh không thấp, gây khó khăn cho tàu thuyền lưu thông bên dưới, theo Zing.

Sau khi cầu Bình Lợi mới được đưa vào khai thác từ năm 2019, cầu sắt Bình Lợi cũ đang được tháo dỡ sau 118 năm phục vụ. Đơn vị thi công sẽ giữ lại 2 nhịp cầu và tháp canh để phục vụ bảo tồn. Đến khoảng giữa tháng 6/2020 sẽ hoàn thành việc tháo cầu, theo VOV giao thông.

Đáng chú ý, báo Tạp chí giao thông vận tải dẫn lời từ Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ GTVT) tiết lộ việc tháo dỡ cầu Bình Lợi cũ với tổng chi phí là 18,9 tỷ đồng. Đơn vị thực hiện là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Sông Lô.

Cộng đồng mạng đã có nhiều ý kiến khác nhau về con số 18,9 tỷ này.

Tài khoản Vĩnh Nam cho rằng: “Phí quá”; “Không ai phá cầu mà tốn 18 tỷ”, theo Nguyenthuy Hien; “Chuyện không thể tin được…choáng…”, tài khoản Long Nóng viết.

Nghia Duc Tran cảm thán: “18 tỷ chỉ để phá 1 cây cầu !!!”.

Hạc Phạm: “Gọi mấy ông thầu sắt vụn tàu thủy đến, có khi còn bán được tiền”.

Nickie Tran: “Kêu ve chai đến tháo trong vòng 6 nốt nhạc. Free tiền công”.

Quangbh Nguyen: “18 tỷ ư? Bán sắt vụn sẽ không mất 18 tỷ lại còn thu về 1 vài tỷ sắt vụn… Đúng là tiền nhà nước”.

Lung Tung Beng: “Chỉ cần hô một câu ai thích lấy gì thì lấy, sẽ dọn sạch trong 3 nốt nhạc. Nhà nước không mất gì, dân còn được hưởng”.

Chín Lần Đổi Tên: “Đem ra đấu giá sắt phế liệu cũng còn có người mua, chứ ở đó mà chi phí phá dỡ 18 tỷ. Đúng là cái gì cũng tốn kém. Trăm dâu thì đổ đầu tằm”.

Hong Van: “Nghĩ ra đủ mọi cách để móc tiền thuế của dân. Cán bộ nhà nước ta giỏi thật!”.

Lê Minh Thuỳ: “Buồn vì mất đi dấu tích lịch sử và buồn vì tốn quá nhiều tiền tháo dỡ”.

Hươu Hiền Hoà: “Có bao giờ quan chức cán bộ ngày nay thấy thẹn với người xưa, công trình tồn tại trên trăm năm, còn bây giờ mới khánh thành đã hư đã hỏng”.

Bao Huynh: “Sao không để cầu lại để làm di tích lịch sử và để cho người dân lên ngắm cảnh, đi bộ. Giống như Đà Nẵng vừa làm cầu mới hiện đại nhưng vẫn giữ lại cầu sắt cũ để làm di tích”.

Phong Lê: “Sắt giờ 6.500 đồng/kg, cầu này thì phải hàng trăm tấn, em bên thu mua sắt phế liệu, ai thấy khó quá liên hệ em, không cần tốn 19 tỷ mà còn được hàng tỷ tiền nữa à”.

Nguyễn Văn Mai: “Tháo cầu cũng đem về ngân sách gia đình ai đó kha khá ha”.

Khue Mai Khac: “Ăn dày quá. 18 tỷ công phá dỡ, bao nhiêu tỷ phế liệu”.

Kiếm Phong Kim: “Thực ra tháo dỡ thì không tốn bao nhiêu chi phí. Cái tốn kém là làm sao phá được những cái trụ dưới mặt nước mới là vấn đề. Nếu là phá trụ mà không nằm dưới nước thì quá dễ, chứ phá trụ bê tông dưới nước thì rất chi tốn kém. Ở quê em có 1 cây cầu pháp xây từ trước 1945. Tới 2003, người ta làm cây cầu mới cách đó 30m, lúc đầu tính phá cây cầu nhưng chi phí lên tới 2 tỷ nên người ta không phá, người ta chỉ tháo phần sắt ở trên, còn phần trụ họ vẫn để nguyên vậy. 17 năm rồi vẫn y vậy. Mà cầu đó chỉ 2 trụ ở 2 bên sông thôi nha, sông nhỏ rộng chừng 30m à. Em nhìn thấy ở quê em nó còn như vậy thì cầu cũ ở Bình Lợi nếu 15 tỷ là em thấy hợp lý. Chứ nó đội lên 19 tỷ chắc có phát sinh thêm thôi”.

Cầu sắt Bình Lợi xây mới (thay thế cầu Bình Lợi cũ) thuộc hợp phần thứ nhất của dự án “Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn“. Đây là dự án đường thủy đầu tiên trên cả nước thực hiện theo hợp đồng BOT.

Các tàu thuyền từ 300 tấn đi qua khu vực cầu sắt Bình Lợi khi hoàn thành sẽ phải trả 70 đồng/tấn/km (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), theo Tuổi trẻ.

Ban đầu, tổng mức đầu tư dự án được duyệt khoảng 1.300 tỷ đồng, nhà đầu tư thu phí tàu thuyền để thu hồi vốn trong vòng 20 năm 9 tháng, theo Vietnamnet.

Kim Long