Chính quyền TP.HCM yêu cầu khẩn UBND các quận, huyện, TP trực thuộc lập khu điều trị, cách ly tập trung cho các F0 không có triệu chứng. Với các F0 mới phát hiện, không có triệu chứng lâm sàng sẽ được cân nhắc cho cách ly tại nhà. 

chuyen F0 vao khu cach ly tap trung
Giải pháp chuyển F0 về cách ly tập trung hoặc tại nhà được TP.HCM đưa ra sau khi Sở Y tế thay đổi điều kiện cho F0 xuất viện theo kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên. (Ảnh: HCDC)

Sáng 21/7, Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Nguyễn Thành Phong ký văn bản khẩn hướng dẫn phối hợp giữa y tế, địa phương và gia đình tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho F0 tại các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Các F0 có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR dương tính và không có triệu chứng lâm sàng; không bệnh lý nền hoặc có bệnh lý nền nhưng đã được điều trị ổn định, không béo phì sẽ được chuyển về các cơ sở cách ly tập trung do các quận, huyện, TP Thủ Đức quản lý.

Các cơ sở cách ly F0 tập trung có thể được lập tại ký túc xá trường học; chung cư mới chưa đưa vào sử dụng; khách sạn; nhà nghỉ; trường học… Điều kiện là cách ly riêng đối với F0 có xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính (chưa có kết quả PCR) và F0 đã có kết quả PCR dương tính.

Mỗi cơ sở cách ly tập trung phải có phòng sơ cấp cứu với trang thiết bị y tế và thuốc cần có (bộ dụng cụ cấp cứu cơ bản, thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu qua da (SpO2), phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc hạ sốt, vitamin…), bình oxy (ít nhất 5-10 bình).

Thời gian cách ly tập trung là 7 ngày đối với F0 không có triệu chứng lâm sàng, có kết quả xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 7 là âm tính hoặc dương tính với tải lượng virus thấp (giá trị CT >=30). Trường hợp F0 dương tính có CT<30 sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mỗi 2 ngày, khi có kết quả âm tính cho phép người bệnh tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.

Với F0 mới phát hiện, không có triệu chứng lâm sàng, ngành y tế sẽ xem xét cách ly tại nhà nếu kết quả xét nghiệm PCR có giá trị CT>=30 và hội đủ điều kiện theo quy định của ngành y tế.

Nếu F0 đang cách ly tập trung có dấu hiệu chuyển nặng, người bệnh cần nhanh chóng được thở oxy và liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc “Tổ cấp cứu ngoại viện” của các quận, huyện, TP Thủ Đức để chuyển đến Bệnh viện điều trị COVID-19 hoặc đến bệnh viện gần nhất (trong trường hợp nguy kịch).

Khi có nhu cầu chuyển viện (không cấp cứu), cơ sở cách ly tập trung sẽ gọi Tổng đài 115 để được điều phối xe chuyển viện.

UBND TP.HCM cho biết khuyến khích địa phương huy động xe vận chuyển hành khách, xe cấp cứu tư nhân để chủ động chuyển người bệnh. Xe vận chuyển hành khách này phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc sau: có kết cấu khoang riêng biệt giữa người bệnh, nhân viên y tế và tài xế; tài xế được cấp giấy chứng nhận sử dụng trang phục phòng hộ (PPE); tài xế được tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Động thái yêu cầu thành lập các khu cách ly cho F0 không có triệu chứng được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm virus Vũ Hán tại TP.HCM ở con số 39.886 ca vào ngày thứ 54 TP này ghi nhận dịch, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) tính đến hết ngày 20/7 và số liệu Bộ Y tế công bố vào 6h sáng ngày 21/7.

Trong đó, số lượng bệnh nhân đang được điều trị là 36.967 người (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính), trong đó có 492 bệnh nhân nặng đang thở máy và 9 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay có 332 bệnh nhân tử vong.

Việc phân nhóm F0, chuyển cách ly tập trung tại địa phương hoặc tại nhà được cho là động thái nhằm giảm tải cho các bệnh viện điều trị COVID-19 khi số F0 đã tiến sát con số 40.000 người và còn tiếp tục tăng. Quyết định này được đưa ra liền sau thay đổi của Sở Y tế TP về điều kiện cho F0 xuất viện, từ hai lần xét nghiệm PCR âm tính (hoặc dương tính nhưng tải lượng virus thấp) vào ngày 10 bằng một lần xét nghiệm PCR âm tính (hoặc dương tính nhưng tải lượng virus thấp) vào ngày thứ 8 và thêm 1 lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 10.

Trong diễn biến liên quan, Sở Y tế TP.HCM ngày 20/7 cho biết một tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch vừa được thành lập, gồm 15 thành viên do Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 làm tổ trưởng.

“Hiện nay, tổng cộng đã có 38 bệnh viện thuộc 4 tầng điều trị khác nhau và hầu hết các bệnh viện đã sử dụng gần hết công suất…”, Sở Y tế TP cho hay. “Bên cạnh số lượt người bệnh khỏi bệnh và ra viện tăng dần thì số trường hợp chuyển nặng vẫn luôn là nỗi lo của các y, bác sĩ và tất cả đều mong muốn người bệnh sớm được chuyển đến các bệnh viện có năng lực chuyên môn cao hơn để điều trị”.

Theo đó, nhiệm vụ của tổ này là hỗ trợ việc chuyển người bệnh của các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 và các bệnh viện điều trị COVID-19; nắm tình hình tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu tại các cơ sở để sửa đổi; giới thiệu các cá nhân, tập thể có cách làm hiệu quả trong tiếp nhận người bệnh cấp cứu.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

Khảo sát: 2/3 dân số Ấn Độ có kháng thể COVID-19