Theo Sở Y tế TP.HCM, TP.HCM không đủ gói thuốc C (thuốc kháng virus) để cấp cho tất cả F0, người được cấp thuốc là những F0 trên 65 tuổi, có bệnh nền. Hiện mọi hành động lưu hành, mua – bán các loại thuốc kháng virus điều trị COVID-19 đều là bất hợp pháp, cả người bán lẫn người mua đều bị xử lý.

F0 dieu tri tai nha
TP.HCM đang đối diện tình trạng thiếu hụt thuốc kháng virus điều trị COVID-19, cho hay chỉ F0 có nguy cơ diễn biến nặng mới được cấp thuốc này. Ảnh: Các nhân viên y tế của Trạm Y tế lưu động tại Phường 12, Quận 3, TP.HCM tới hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, tháng 9/2021. (Ảnh: HCDC)

Chiều 9/12, tại cuộc họp báo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thành phố đang có khoảng 39.300 liều thuốc kháng virus, gồm 25.000 liều Molnupiravir, 2.300 liều Favipiravir (thuốc kháng virus cùng nhóm với Molnupiravir) do Bộ Y tế cấp phát và hơn 12.000 liều Molnupiravir điều chuyển từ các bệnh viện, cơ sở y tế đã được cấp nhưng chưa sử dụng sang các trạm y tế thiếu hụt thuốc.

“Số lượng gói thuốc C không đủ để cấp phát rộng rãi cho tất cả người có kết quả test nhanh dương tính COVID-19”, bà Mai nói. Số thuốc trên sẽ dành cấp cho nhóm nguy cơ, là F0 trên 65 tuổi, có bệnh nền.

Theo bà Mai, những F0 còn trẻ không có triệu chứng hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 sẽ không được chỉ định thuốc kháng virus, mà có thể dùng thuốc khác và thực phẩm chức năng để tăng cường hỗ trợ sức khỏe. “Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định hoặc không đúng sẽ dẫn đến hệ quả là kháng kháng sinh, gây nguy hiểm cho chính mình và cộng đồng”, bà Mai cho biết.

Hiện để hỗ trợ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho F0, TP có 2.200 liều Xuyên tâm liên và trên 50.000 liều thực phẩm chức năng Kovir.

Về tình trạng các loại thuốc kháng virus như Molnupiravir và Favipiravir đang được rao bán trên thị trường dù trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam, bà Mai cho biết hai loại thuốc này chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, người bệnh chỉ được cấp phát miễn phí từ nhân viên y tế. Vì vậy, việc lưu hành, rao bán trên mạng hoặc mua bán ngoài thị trường các loại thuốc trên đều bất hợp pháp, cả người bán lẫn người mua đều vi phạm pháp luật và bị xử lý.

Trước phản ánh thuốc điều trị COVID-19 đang được bán tràn lan trên mạng, bà Mai nói cho đến thời điểm này, nhiều đoàn thanh tra của Sở đã phối hợp với ngành Công an kiểm tra nhân viên y tế, trạm y tế lưu động, hiện chưa phát hiện trường hợp rao bán các loại thuốc điều trị COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng. Ngành y tế và Công an TP vẫn tiếp tục điều tra và xác minh các trường hợp rao bán thuốc trái phép trên mạng.

Ngày 7/12, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) gửi công văn 1448 đến Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tăng cường kiểm tra, xác minh việc mua bán thuốc điều trị COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.

Theo Cục quản lý, việc lưu hành các loại thuốc điều trị COVID-19 có dược chất Molnupiravir (đang thử nghiệm lâm sàng) hoặc thuốc nước ngoài chứa dược chất Molnupiravir, Favipiravir (chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam) là vi phạm quy định Luật Dược 2016 và tiềm ẩn rủi ro đến sức khỏe của người bệnh khi sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc (thuốc giả, thuốc nhập lậu).

Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo Thanh tra sở phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra việc phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc điều trị Molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng tại các cơ sở y tế tại TP, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh thất thoát, thẩm lậu thuốc ra ngoài thị trường.

Tại cuộc họp báo chiều 9/12, giới chức TP.HCM công bố tính đến 18h ngày 8/12, TP.HCM có 482.544 F0 được phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, gồm 481.964 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 580 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 13.177 bệnh nhân, trong đó có 473 trẻ em dưới 16 tuổi, 472 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số bệnh nhân xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến ngày 8/12 là 288.174 người; tổng số tử vong cộng dồn cùng thời gian trên là 18.706 người.

Tính đến ngày 8/12, TP.HCM đã đưa vào tiêm tổng cộng 14.781.330 mũi vắc-xin, gồm 7.935.465 mũi 1, 6.845.865 mũi 2. Đã tiêm 1.319.526 mũi tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Minh Sơn

Xem thêm: