Sau gần 3 tháng áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ (từ ngày 11/10/2021), “tâm dịch” TP.HCM lần đầu tiên đã chuyển thành vùng dịch cấp độ 1 (vùng xanh – nguy cơ thấp). Trái lại, Hải Phòng vốn luôn an toàn trong đợt đỉnh điểm dịch bệnh tại phía Nam, nay đang là vùng dịch cấp độ 4 (vùng đỏ – nguy cơ rất cao). Diễn biến trái ngược trên kéo theo nhiều hoạt động kinh tế-xã hội tại hai TP này đang thay đổi theo.

tiem mui bo sung haiphong 1
Ngày 13/12, Sở Y tế TP Hải Phòng yêu cầu gấp rút tiêm mũi bổ sung cho nhóm người từ 18 trở lên trở lên bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền. (Ảnh minh họa: thanhphohaiphong.gov.vn)

TP.HCM chuyển “xanh”, rút ngắn thời gian cách ly F0

Ngày 8/1, UBND TP.HCM thông báo về cấp độ dịch trên toàn TP.HCM tính đến ngày 6/1 ở cấp độ 1 (vùng xanh) theo Nghị quyết 128.

Đối với cấp quận/huyện, có 18/22 đơn vị đang đạt cấp độ 1 (vùng xanh), gồm các quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Chánh, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi; 4 đơn vị cấp quận/huyện ở cấp độ 2 (vùng vàng), gồm quận 1, 10, Bình Thạnh và TP Thủ Đức.

So với lần cập nhật cấp độ dịch liền trước, TP Thủ Đức đã chuyển từ vùng xanh lên vùng vàng. Ngược lại, 3 quận (quận 4, 11, Tân Phú) từ vùng vàng chuyển thành vùng xanh.

Đối với cấp phường/xã/thị trấn, TP.HCM có 235 đơn vị vùng xanh, 74 đơn vị vùng vàng, 3 đơn vị vùng cam.

tphcmvungxanh 6 1 2022
Bản đồ cấp độ dịch tại 22 quận huyện tại TP.HCM, ngày 8/1/2022. (Nguồn: covid19.hochiminhcity.gov.vn)

Với 3 tiêu chí vùng xanh do Bộ Y tế quy định tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT, TP.HCM hiện đáp ứng như sau:

Với tiêu chí 1, theo báo cáo của Sở Y tế TP. HCM, số người mắc COVID-19 mới ở TP trong tuần từ ngày 31/12/2021 đến ngày 6/1/2022 là 3.244 ca, số mắc mới của tuần trước (từ ngày 24/12 đến 30/12/2021) là 4.087 ca. Kết hợp với tổng dân số của TP.HCM là hơn 9,1 triệu người, theo công thức tính của Bộ Y tế, tổng số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 người/tuần của TP.HCM là 40 ca/100.000 người/tuần, thuộc mức độ 2 (số ca quy định từ 20 đến dưới 50 ca/100.000 người/tuần).

Với tiêu chí 2, hết ngày 23/12/2021, toàn bộ người trên 18 tuổi tại TP.HCM đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin và hơn 99,9% người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi (Bộ Y tế chỉ yêu cầu độ phủ trên 70% đối với ít nhất 1 mũi tiêm).

Với tiêu chí 3, giới chức TP khẳng định đã TP có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và đảm bảo số giường hồi sức, cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám, chữa bệnh; sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4. Các quận huyện thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp oxy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn đáp ứng khi xảy ra dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tổng hợp các yếu tố, giới chức TP.HCM xác định TP thuộc vùng dịch cấp độ 1 – vùng xanh (vùng nguy cơ thấp – bình thường mới).

Vào ngày 7/1, tại bản cập nhật “Hướng dẫn gói thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0″, Sở Y tế TP.HCM đã điều chỉnh thời gian cách ly tai nhà của F0 từ 14 ngày xuống còn 10 ngày nếu xét nghiệm nhanh âm tính, và được bổ sung thuốc kháng virus Favipiravir.

Theo quy định, trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0, cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà được phân công quản lý F0 phải cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo quy định (cấp ngay gói thuốc A nếu F0 không có triệu chứng; cấp ngay gói thuốc A, C nếu F0 có triệu chứng nhẹ).

Đối với F0 thuộc nhóm nguy cơ, các cơ sở y tế sẽ cấp ngay gói thuốc C khi có kết quả xét nghiệm dương tính, hướng dẫn người bệnh uống ngay thuốc kháng virus trước khi xem xét cho người bệnh cách ly tại nhà hay đi tới cơ sở điều trị.

Cùng thời điểm trên, Sở GD&ĐT TP.HCM công bố sau khi thí điểm dạy học trực tiếp đối với học sinh khối 9, 12 (từ ngày 13/12) và đối với các khối 7, 8, 10 và 11 (từ ngày 4/1), tỷ lệ học sinh đi học thực tế tại các quận, huyện đều trên 90%, có nơi đạt 98-99% (tỷ lệ khảo sát phụ huynh đồng thuận cho con đến trường trước đó là từ 60-80%). Hiện nhiều trường đại học ở TP.HCM đã thông báo sẽ mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trước mắt, từ ngày 10/1 tới, các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ như vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage tại TP.HCM sẽ được hoạt động trở lại theo thông báo của UBND TP vào hôm 4/1, với điều kiện đảm bảo các tiêu chí phòng ngừa dịch của TP và Bộ Y tế.

Hải Phòng chuyển “đỏ” toàn TP, kiểm soát hoạt động vận tải 

Cùng ngày ngày 8/1, giới chức TP Hải Phòng công bố toàn thành phố đang thuộc vùng dịch cấp 4 (vùng đỏ – nguy cơ rất cao) khi số ca mắc COVID-19 ngày một tăng.

Ở cấp quận/huyện, toàn TP có 10/14 đơn vị thuộc vùng đỏ, gồm các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn, và hai huyện Thủy Nguyên, An Dương; 4 đơn vị thuộc vùng cam gồm 4 huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Hải. Duy nhất huyện Bạch Long Vỹ là vùng xanh.

Ở cấp xã/phường/thị trấn, trong tổng 128 đơn vị của TP, có 131 đơn vị vùng đỏ, 70 đơn vị vùng cam, 10 đơn vị vùng vàng và chỉ 7 đơn vị vùng xanh.

Bang danh gia cap do dich COVID 19 tai Hai Phong 08.1 1
Cập nhật cấp độ dịch bệnh COVID-19 tại TP Hải Phòng vào ngày 8/1/2022. (Nguồn: haiphong.gov.vn)

Từ ngày 8/1, Hải Phòng tạm dừng vận tải khách công cộng bằng xe buýt nội tỉnh và liên tỉnh; dừng vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh, taxi, xe du lịch… Cụ thể, theo văn bản số 82 ngày 8/1 của Sở Giao thông vận tải Hải Phòng, toàn TP được xác định là vùng có cấp độ 4 (vùng đỏ) nên những hoạt động vận tải khách tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch sẽ tạm dừng.

Cụ thể, tạm dừng vận tải khách công cộng bằng xe buýt nội tỉnh và liên tỉnh; tạm dừng vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh. Tiếp tục tạm dừng vận tải khách bằng taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn các xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 4.

Trường hợp phương tiện vận tải có hành trình bắt buộc phải đi qua các địa phương nêu trên thì không được dừng, đỗ đón trả khách.

Với vùng dịch cấp độ 3 (vùng cam), hoạt động vận tải nói trên chỉ được hoạt động không quá 50% số phương tiện của đơn vị vận tải và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng với xe giường nằm).

Hải Phòng tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với vận tải khách tuyến cố định liên tỉnh tại bến xe khách Thượng Lý và bến xe khách phía Bắc Hải Phòng cho đến khi có thông báo mới và từ ngày 8/1 tạm dừng hoạt động vận tải khách tại bến xe khách Vĩnh Niệm và bến xe khách Đồ Sơn cho đến khi có thông báo mới.

Ngoài ra, nhằm kiểm soát và ngăn ngừa biến chủng mới Omicron xâm nhập vào cộng đồng, giới chức TP yêu cầu thiết lập nhanh khu vực test nhanh COVID-19 tại Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi.

Theo Bộ Y tế công bố, tính đến tối 8/1, sau 748 ca mắc mới, tổng số ca COVID-19 tại Hải Phòng tăng lên 16.323 ca; không có ca tử vong trong ngày, cộng tích lũy là 10 ca tử vong. Cùng thời điểm, TP.HCM tăng thêm 436 ca, nâng tổng số ca mắc lên 507.338; số tử vong trong ngày là 18, cộng tích lũy là 19.943 ca tử vong.

Tăng hơn 2.000 ca nhiễm một ngày, Hà Nội vẫn xác định thuộc vùng vàng

Hà Nội trong ngày 8/1 đứng đầu về số ca nhiễm mới, 2.791 ca, nâng tổng số ca tích lũy lên 65.167; 13 ca tử vong trong ngày, nâng tổng số lên 195 ca tử vong.

Trong một tuần từ ngày 31/12/2021 đến ngày 6/1, Hà Nội ghi nhận 15.610 ca mắc mới. Trung bình mỗi ngày thêm 2.230 ca, tăng gần gấp 4 lần so với cùng thời điểm vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021. Tỷ lệ tử vong khoảng 0,26-0,3%, số nặng khoảng 1-1,5%.

Công bố cấp độ dịch vào tối 7/1, UBND TP Hà Nội cho biết TP Hà Nội thuộc cấp độ 2 (vùng vàng). Có 8 quận, huyện đang là vùng cam; trong đó, hai quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ và huyện Thanh Trì chuyển từ vùng cam lên vùng vàng; quận Cầu Giấy chuyển từ vùng vàng lên vùng cam so với thông báo vào ngày 31/12/2021.

20 quận/huyện thuộc vùng vàng và 2 huyện vùng xanh (Phú Xuyên và Phúc Thọ).

Nguyễn Quân

Xem thêm: