Chính quyền TP.HCM dự kiến trong hơn 3 tuần, từ ngày 8/3 đến hết 31/3, sẽ lập danh sách, xét nghiệm và tiêm “vét” vắc-xin COVID-19 đối với người thuộc nhóm nguy cơ (trên 65 tuổi, có bệnh nền). 

tiem vac xin tphcm
Một điểm tiêm vắc-xin COVID-19 của Trung tâm Y tế Quận 8 (TP.HCM), tháng 2/2022. (Ảnh minh họa: HCDC)

Tại văn bản về việc triển khai đợt bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ do Phó chủ tịch UBND TP.HCM – ông Dương Anh Đức ký ngày 8/3, giới chức TP.HCM nhận định “tuy số ca tử vong do COVID-19 vẫn duy trì ở mức thấp nhưng số ca mắc mới trên địa bàn tăng nhanh, tương ứng số ca nặng, số ca thở máy có xu hướng tăng.” 

Giới chức UBND TP cho hay theo kết quả phân tích của ngành y tế, phần lớn các trường hợp nặng và tử vong do COVID-19 tại TP.HCM có đặc điểm chung là người trên 65 tuổi và có bệnh nền; có trường hợp chưa tiêm vắc-xin COVID-19; khi có triệu chứng cần nhập viện thì bệnh nhân đã ở mức độ nặng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus do chưa được phát hiện là F0.

Theo đề nghị của Sở Y tế TP.HCM, cần bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao, là những người trên 65 tuổi, có bệnh nền.

Với văn bản vừa ban hành, UBND TP.HCM yêu cầu các phường, xã, thị trấn “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, cập nhật danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi có kèm bệnh nền); thời hạn hoàn thành trước ngày 15/3 tới.

Tiếp đến, chính quyền các phường, xã, thị trấn phải tổ chức xét nghiệm nhanh COVID-19 đối với những người trong danh sách trên, hoàn thành việc xét nghiệm trước ngày 20/3. Với người có kết quả xét nghiệm âm tính, yêu cầu là theo dõi sức khỏe tại nhà và tư vấn y tế từ xa; với người có kết quả xét nghiệm dương tính thì cấp ngay và uống thuốc kháng virus, theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Sở Y tế.

Đối với việc tiêm vắc-xin COVID-19, UBND TP.HCM yêu cầu “tuyên truyền, thuyết phục”, “tiêm vắc xin COVID-19 cho tất cả người thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa được tiêm”. Thời gian hoàn thành tiêm là trước ngày 29/3.

Đáng lưu ý, chính quyền TP yêu cầu tách riêng F0 trong hộ gia đình ra khỏi nơi lưu trú của người thuộc nhóm nguy cơ cao, cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn mới được sống chung, bao gồm cả F0 là trẻ em.

Nếu gia đình không đủ điều kiện cách ly riêng thì người nhà nên cho trẻ nhập viện các bệnh viện nhi để điều trị. Trẻ dưới 12 tuổi có triệu chứng sốt được khuyến cáo nên đưa trẻ đi xét nghiệm tầm soát tại các cơ sở y tế.

Theo công bố của Bộ Y tế vào cuối ngày 8/3, số ca tử vong trung bình trong 7 ngày qua của cả nước là 91 ca/ngày, nâng tổng số ca tử vong cộng dồn là 40.977 ca (chiếm 0,9% so với tổng số ca nhiễm là 4.697.444 ca).

Trong ngày 8/3, TP.HCM có 2 ca tử vong, trong đó 1 ca từ Đồng Nai chuyển đến; 1.500 ca mắc mới. Tổng số ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 tại TP.HCM kể từ khi ghi nhận dịch lần lượt là 554.540 ca và 20.299 ca (tỷ lệ ca tử vong/ca nhiễm là 3,6%).

Nguyễn Sơn