Chiều 30/9, giới chức TP.HCM công bố dỡ toàn chốt kiểm soát nội đô, người dân được đi lại bình thường nếu có mã QR/chứng nhận tiêm vắc-xin/F0 đã khỏi bệnh. Thông tin kiểm tra ngẫu nhiên được Công an TP đề cập một phần. Tối cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói rõ “người nào không có việc gì mà ra đường thì vẫn bị xử lý”.

ong vo van hoan
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trong chương trình “Dân hỏi – TP trả lời”, tối 30/9. (Ảnh chụp màn hình)

Theo thông tin từ họp báo ngày 30/9 và công bố chính thức trên Cổng thông tin Trung tâm báo chí TP.HCM cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP.HCM – ông Lê Hòa Bình cho biết từ ngày 1/10, người dân tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc-xin (cho đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).

Trường hợp không có mã QR, người lưu thông phải xuất trình giấy tờ chứng minh là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm khi được cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra.

“Sau 30/9 sẽ không cấp giấy đi đường và dùng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn”, ông Bình nói.

Các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động tại TP.HCM phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/, và từ ngày 15/10, bắt đầu phải quét mã QR (trên điện thoại di động thông minh hoặc được in trên giấy) của toàn bộ người đến liên hệ công tác, làm việc, giao dịch; sử dụng ứng dụng của Thành phố (hoặc ứng dụng PC-COVID) để kiểm soát và tổ chức hoạt động.

Người dân không được tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Trường hợp cấp thiết cần đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải. Công an TP sẽ kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp người dân tự ý thông chốt. Lý do đưa ra là vì: “Mỗi tỉnh thành có độ phủ vắc-xin khác nhau” – ông Bình nói.

Người dân đi lại trong nội thành sẽ bị kiểm soát đột xuất trên đường, ngẫu nhiên 24/24h. Công an TP có thể thành lập một số chốt lưu động để kiểm tra và tổ chức cả test nhanh y tế. Người dưới 18 tuổi cũng không được đi ra đường nếu không có việc cần thiết, không được tự đi lại bằng xe máy.

Phó giám đốc Công an TP.HCM Nguyễn Sĩ Quang cho hay thời gian tới sẽ giải tỏa tất cả các chốt nội đô, 12 chốt chính và 39 chốt phụ giáp ranh các tỉnh, địa phương với TP.HCM tiếp tục duy trì. Công an TP kết hợp công an các địa phương sẽ kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.

Tối cùng ngày, trên chương trình phát sóng trực tiếp (livestream) “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM – ông Võ Văn Hoan nói TP cũng muốn mở tất cả lĩnh vực nhưng phải từng bước, phải chọn lĩnh vực ưu tiên, ngành ưu tiên và doanh nghiệp ưu tiên để mở cửa.

Trả lời câu hỏi về việc lưu thông từ ngày 1/10, cần mang loại giấy tờ nào để tránh bị phạt, ông Hoan cho biết từ ngày 1/10, người dân đi lại bình thường trong phạm vi TP.HCM, chỉ cần mang theo điện thoại thông minh có mã QR khai báo di chuyển tại ứng dụng VNEID, chứng nhận đã tiêm vắc-xin (1 mũi đủ 14 ngày hoặc đủ 2 mũi), hoặc chứng nhận là F0 đã khỏi bệnh.

Tuy nhiên – ông Hoan cho hay – dù TP không kiểm soát tại các chốt cố định trong nội đô nhưng sẽ có sự kiểm soát “ngẫu nhiên trên đường”. 

Việc kiểm soát ngẫu nhiên “để xác định người nào cần thiết đi đường thì tạo điều kiện cho họ đi, còn trường hợp nào chưa có cần thiết, tức là không có việc gì mà ra đường thì sẽ xem xét và xử lý những trường hợp đó” – ông Hoan nói.

Điều này có nghĩa những người có đủ mã QR, chứng nhận tiêm vắc-xin song bị coi là ra đường không cần thiết thì vẫn bị xử lý. Tuy nhiên, ông Hoan không nêu cụ thể trường hợp nào được xác định là “chưa cần thiết” phải ra đường.

Về vấn đề đi lại liên tỉnh, đặc biệt là với người ở vùng giáp ranh, ông Hoan chỉ trả lời về việc đi lại của người lao động.

Ông Hoan cho hay TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là 4 địa phương được Thủ tướng ra công điện xác định là một cụm tâm dịch ở phía nam, và cũng là trung tâm sản xuất công nghiệp của Đông Nam Bộ. TP.HCM chủ trương sẽ phối hợp với các địa phương này tổ chức các xe đưa đón người lao động, chuyên gia. Đối với người lao động đi bằng xe 2 bánh, qua các chốt cần trình giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin và đăng ký đi đường (giống trên app VNEID).

“Ráng thêm một vài tháng nữa để có tiền cho Tết rồi về

“Nghe nói ngày 1/10 là mở ra rồi, tôi không về quê được, các chốt kiểm soát hết rồi. Ở TP thì tiền nhà, tiền ăn, tiền gas, tiền điện, tiền nước không lo được, vậy thì sao không cho chúng tôi về quê?” – một câu hỏi được MC đọc lên trong chương trình.

Trả lời câu hỏi, ông Hoan nói:

“Thực ra tâm trạng sau giãn cách và muốn về quê là một tâm trạng rất phổ biến khi đi xa nhà. Lãnh đạo TP cũng rất chia sẻ về việc này. Về góc độ nào đó, nói là không cho về thì không được, nhưng mà chúng ta phải suy nghĩ cân nhắc cho thật kỹ lưỡng.

Ví dụ, mình về thì đã tiêm vắc-xin hay chưa tiêm vắc-xin thì mình vẫn có nguy cơ gây ra dịch ở địa phương, ở gia đình. Nếu về địa phương mà nằm trong diện như vậy thì sẽ làm quá tải ngành y tế của địa phương. Khi hệ thống y tế quá tải mà mình bị bệnh thì việc điều trị bệnh rất khó khăn. Đó là những điều mà mình cần phải suy nghĩ.

Thứ nữa là TP cũng khuyến khích họ ở lại. Bởi vì sao? Vì TP cần người lao động. Có khó khăn thì bây giờ đã được nới lỏng giãn cách, tổ chức sản xuất, kinh doanh, thì đây là điều kiện để họ có việc làm, có thu nhập.

Thứ ba là mình ráng thêm một vài tháng nữa để có nguồn thu nhập chuẩn bị cho Tết rồi mình về luôn cũng được.

Rồi còn tiêm vắc-xin, rồi các gói hỗ trợ mà chúng tôi đã tiến hành đây.”

Ông Hoan nói người già lên thăm con, phụ nữ mang thai, trẻ con lên nghỉ hè cần trở về đi học thì TP và các tỉnh sẽ phối hợp đưa về.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Quý III/2021: GDP âm 6,17%; tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất kể từ quý I/2020