Chính quyền TPHCM, trong phiên họp ngày 10/11, quyết định vay thêm số tiền 2.370 tỷ đồng từ nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ cho dự án thoát nước mưa, chống ngập. Số nợ vay kéo dài trong thời hạn 30 năm.

tphcm vay chong ngap
Một người bán hàng rong đi dưới lòng đường bị ngập, TP.HCM, ngafh 30/9/2019. (Ảnh: Vaory/Shutterstock)

Truyền thông Nhà nước Việt Nam vào ngày 10/11 cho biết Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về phương án huy động vốn nói trên. Cụ thể, chính quyền TP này sẽ vay lại 2.370 tỷ đồng từ nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ trong thời hạn 30 năm để hoàn thành dự án “Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ – Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ giai đoạn 2”.

Mục tiêu của dự án  là nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, chống ngập và giải quyết vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng của thành phố và vùng lân cận thuộc lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải…

Công trình gồm 6 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư hơn 11.280 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của Nhật Bản gần 9.830 tỷ đồng, còn lại hơn 1.450 tỷ đồng là vốn đối ứng của TP.HCM.

Dự án được cho phép đầu tư vào năm 2005 và chính thức được triển khai từ năm 2010, dự kiến 2014 hoàn thành song tới nay vẫn chưa xong. Thời gian hoàn thành hiện đã lùi đến năm 2022.

“Dự án chia làm 4 đoạn, mỗi đoạn là một hợp đồng vay nên phải ký nhiều lần. Dự án trải qua 8 năm, sử dụng hết 3 khoản vay, chỉ còn khoản cuối cùng để hoàn thành. Nếu không vay thì không biết làm sao hoàn thành. Các hạng mục làm được của khoản vay cũ là cơ sở để xem xét ký kết khoản vay mới”, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Hồi tháng 6/2020, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết từ năm 2016-2020, gần 26.000 tỷ đồng đã được chi cho các dự án chống ngập, hiện TP vẫn còn 22 tuyến đường bị ngập.

Trong gần 26.000 tỷ đã chi, kinh phí ngân sách đầu tư cho hoạt động chống ngập là hơn 7.000 tỷ đồng; các dự án giải quyết ngập theo hình thức hợp tác công tư (PPP) là hơn 9.900 tỷ đồng; dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là hơn 9.000 tỷ đồng.

22 tuyến đường còn ngập, gồm: Nguyễn Văn Khối, Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Học Lãm, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phạm Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Nguyễn Văn Quá.

Ông Vũ Văn Điệp, giám đốc trung tâm cho biết nguyên nhân ngập do mạng lưới cống thoát nước đã cũ, không thoát kịp nước sau các cơn mưa lớn. Cống thoát nước lớn nhất chịu được những trận mưa 85,36mm trong 3 giờ…

Nguyễn Quân