Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa đưa ra tuyên bố thúc đẩy chính quyền các tỉnh thành nhanh chóng tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, tiêm vét với nhóm trẻ từ 12-17 tuổi và người lớn. Một số chuyên gia y tế đã khuyến cáo về các trường hợp trẻ từ 5-11 tuổi cần trì hoãn hoặc chống chỉ định tiêm.

tre em trong dich covid
Một bé gái học mầm mon rửa tay khử khuẩn trước cổng trường, Nghệ An, tháng 5/2020. (Ảnh minh họa: Le Manh Thang/Shutterstock)

“Dự kiến sẽ đưa được lô vắc-xin Moderna đầu tiên để tiêm trẻ em về đến Việt Nam vào 10/5” – Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 diễn ra vào chiều 4/4. Số vắc-xin này nằm trong 9 triệu liều vắc-xin Moderna và 4,7 triệu liều vắc-xin Pfizer do Úc cam kết viện trợ cho Việt Nam.

Sau thông báo trên, ngày 5/4, tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục thúc đẩy trên toàn quốc kế hoạch tiêm vắc-xin COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi.

“Khẩn trương tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi, tiêm vét với trẻ em từ 12-17 tuổi và các đối tượng chỉ định. Sẵn sàng kịch bản để chủ động ứng phó với các làn sóng dịch có thể xảy ra” – ông Chính cho hay.

Đầu tháng 1, một số chuyên gia y tế nêu một số nhóm trẻ cần trì hoãn tiêm vắc-xin COVID-19. TS.BS Lê Kiến Ngãi (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết khi khám sàng lọc, có 3 nhóm trẻ cần phải thận trọng và khám sàng lọc, thực hiện tiêm tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, gồm:

  • Trẻ mắc bệnh mạn tính bẩm sinh;
  • Trẻ có bất thường về tim, phổi;
  • Trẻ có phản ứng phản vệ với bất kỳ dị nguyên nào trước đó.

Ngoài ra, nhóm trẻ đang mắc bệnh cấp tính, bệnh mạn tính tiển triển hoặc các vấn đề khác cũng lưu ý phải trì hoãn tiêm.“Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; đang trong đợt điều trị bệnh mạn tính như hóa trị liệu ung thư,… thì cần trì hoãn cho đến khi trẻ kết thúc tình trạng bệnh cấp tính hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính”, bác sĩ Ngãi cho biết.

Những trẻ sau mắc COVID-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C) cần trì hoãn tiêm cho đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý này.

Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm là trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; trẻ có rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý,…

Đặc biệt, chống chỉ định tiêm đối với nhóm trẻ có tiền sử phản vệ với vắc-xin COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc-xin- bác sĩ Ngãi cho hay.

“Các cơ sở tiêm chủng phải nghiên cứu kỹ các thành phần của vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, để nếu phát hiện trẻ có tiền sử phản vệ với bất cứ thành phần nào của vắc-xin như muối, lipid, đường… thì phải xếp vào nhóm chống chỉ định tiêm”, bác sĩ Ngãi nói, theo báo Sức Khỏe và Đời Sống – cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế.

Tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi: Chính phủ thúc đẩy, phụ huynh ‘trăm mối tơ vò’

Bác sĩ Nguyễn Hữu Châu Đức (bộ môn Nhi – Đại học Y dược Huế) khuyến cáo cha mẹ nên chuẩn bị trả lời cho những câu hỏi sau:

  • Trẻ có bị dị ứng không?
  • Trẻ đã bị viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim?
  • Trẻ bị sốt?
  • Trẻ có bị rối loạn đông máu?
  • Trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng một loại thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hệ thống?
  • Trẻ đã được tiêm vắc-xin khác?
  • Trẻ đã từng ngất xỉu liên quan đến tiêm thuốc?

Cha mẹ, người giám hộ cần cho nhân viên y tế biết chính xác về tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng của trẻ với các triệu chứng và điều trị cụ thể, tình trạng bệnh lý nền, các loại thuốc điều trị trẻ đang sử dụng. Những điều này rất quan trọng để bác sĩ có thể ra quyết định phù hợp trong việc chống chỉ định, chuyển viện hay cẩn trọng khi tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ và có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm.

Trẻ sau khi tiêm cần được theo dõi liên tục sức khỏe trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu; không nên uống các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu.

Nếu trẻ xuất hiện một trong các dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đi bệnh viện:

– Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

– Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

– Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

– Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

– Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

– Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

– Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

– Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường;

– Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn;

– Sốt cao liên tục trên 38,5 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Trên trang Facebook cá nhân của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), rất nhiều người có con từ 5-11 tuổi nhờ bác sĩ tư vấn việc tiêm hay không nên tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ, đặc biệt sau khi có yêu cầu xác nhận từ nhà trường hoặc địa phương.

Trong một cuộc lấy ý kiến ngẫu nhiên do Trí Thức VN thực hiện vào đầu tháng 3 vừa qua, trong 21 phụ huynh tham gia trả lời, có 10 phụ huynh không đồng ý cho con tiêm, 5 phụ huynh đồng ý, 3 phụ huynh đồng ý nhưng lo lắng, 3 phụ huynh muốn chờ đợi thêm thông tin hoặc sẽ đồng ý nếu bắt buộc phải tiêm để con được đến trường.

Nguyễn Quân