Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo qua thư rằng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Trung Quốc sẽ cung cấp cho Quân đội nhân dân Việt Nam 200.000 liều vắc-xin phòng COVID-19 trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, truyền thông trong nước cho hay vào chiều tối 17/8.

tan binh quan doi viet nam
Tân binh quân đội Việt Nam lên xe sau buổi Lễ giao nhận quân tại Hải Phòng, ngày 3/3/2021. (Ảnh minh họa: haiphong.gov.vn)

Thông báo được đưa ra tại trụ sở Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam – ông Hùng Ba đã chuyển cho Bộ Quốc phòng Việt Nam thư của Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo việc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Trung Quốc sẽ cung cấp cho Quân đội nhân dân Việt Nam 200.000 liều vắc-xin phòng COVID-19.

Theo kế hoạch, phía Trung Quốc sẽ vận chuyển số vắc-xin trên tới Việt Nam trong ngày 23/8 tới.

Đưa tin sớm nhất, báo Quân đội Nhân dân dẫn lời ông Hùng Ba cho biết “phía Trung Quốc luôn chia sẻ những khó khăn của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như cung cấp vật tư y tế, hỗ trợ vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong thời gian tới”.    

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho hay “việc hỗ trợ vắc-xin lần này của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau giữa quân đội hai nước, đồng thời khẳng định quan hệ giữa hai quân đội luôn là trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc” – trích bản tin.

Các bản tin, bao gồm cả bản tin của TTXVN, đều không nhắc đến lô vắc-xin 200.000 liều được phía Bộ Quốc phòng Trung Quốc báo tặng cho Quân đội Nhân dân Việt Nam là loại vắc-xin nào.

Trung Quốc hiện đang có hai loại vắc-xin COVID-19 được sử dụng phổ biến là vắc-xin của Sinovac và Sinopharm. Vào ngày 3/6/2021, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc-xin Sinopharm, trở thành loại vắc-xin thứ 3 được Việt Nam phê duyệt, sau AstraZeneca và Sputnik V.

Cùng trong tháng 6, Chính phủ Trung Quốc công bố tặng Việt Nam 500.000 liều vắc-xin Sinopharm. Dù Bộ Y tế Việt Nam công bố số vắc-xin trên sẽ tiêm cho 3 nhóm: người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc và người dân khu vực biên giới, các nhóm cộng đồng khác vẫn được đưa vào danh sách tiêm theo quyết định của giới chức mỗi tỉnh thành nhận phân bổ.

Ngày 2/8, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉnh này đã tiêm xong 88.100 liều vắc-xin Sinopharm mũi 1, từ ngày 4/8 bắt đầu tiêm mũi 2. Nhóm người đã tiêm không chỉ bao gồm chuyên gia, lao động Trung Quốc, cư dân biên giới, công nhân làm việc cho chủ đầu tư Trung Quốc, mà còn bao gồm tiểu thương, tài xế taxi, xe ôm, cửu vạn… trong khu vực chợ, trung tâm thương mại. Tại TP.HCM, 19.000 liều trong lô phân bổ được đưa ra tiêm theo danh sách do các đơn vị đề xuất, trong đó có Tập đoàn FPT…

Đối với lô 5 triệu liều vắc-xin Sinopharm do TP.HCM đặt mua từ phía Trung Quốc từ nguồn tài trợ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, 2 triệu liều đã được chuyển đến, TP.HCM đưa vào tiêm trong cộng đồng từ ngày 13/8, gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Giải pháp do Bí thư Thành ủy TP.HCM – ông Nguyễn Văn Nên đưa ra một cách bán chính thức bên lề một cuộc kiểm tra điểm tiêm vắc-xin tại huyện Hóc Môn ngày 13/8 là báo trước loại vắc-xin, ai đồng ý thì đến tiêm.

Cùng ngày 17/8, Chính phủ Việt Nam cho biết Chính phủ Ba Lan đã tặng Việt Nam hơn 501.000 liều vắc-xin AstraZeneca và sẵn sàng nhượng lại ba triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19. Ngoài ra, Chính phủ nước này viện trợ nhiều trang thiết bị, vật tư y tế trị giá 4 triệu USD cho Việt Nam, dự kiến sẽ chuyển về TP.HCM trong ngày 25/8.

Đại sứ Ba Lan Wojciech Gerwel cho biết ngay sau khi nhận được thư của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đề nghị giúp đỡ, Chính phủ Ba Lan quyết định hỗ trợ và nhượng lại vắc-xin cho Việt Nam.

Minh Sơn

Xem thêm:

California: Hiệu trưởng trường tư thục bị chế độ TQ dùng cha mẹ già đe dọa