Nhiều nhận định được đưa ra khi Trung Quốc thông báo sẽ xả lũ trên sông Hồng liên tục 8 tiếng trong ngày 20/8 nhưng không cho biết cụ thể lưu lượng, tổng lượng xả lũ. Phía Việt Nam đã yêu cầu 5 tỉnh, thành phố cần phải có giải pháp ứng phó. 

lu lon song hong 2
Lũ lớn trên sông Hồng đoạn chảy qua TP Lào Cai. Lúc 7h ngày 18/8, mực nước lên tới 81,61m (dưới báo động 2 là 0,39m). (Ảnh: baolaocai.vn)

Theo thông báo của Ban Ngoại vụ huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc gửi Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai, Việt Nam ngày 20/8, Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn, Trung Quốc sẽ xả lũ trên sông Hồng. Thời gian dự kiến xả lũ từ 9h đến 17h ngày 20/8.

Thông báo không nêu rõ lưu lượng, tổng lượng xả lũ.

Trưa cùng ngày, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai của Việt Nam gửi công điện hỏa tốc đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và TP Hà Nội về việc ứng phó với đợt xả lũ từ Trung Quốc, hướng dẫn kịp thời cho chính quyền các địa phương và người dân chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất.

Truyền thông trong nước vào chiều cùng ngày dẫn ý kiến các chuyên gia nhận định về nguy cơ ảnh hưởng khi Trung Quốc xả lũ không báo lưu lượng.

Báo Nông Nghiệp dẫn lời Ths Bùi Quang Tuấn (Viện Quy hoạch Thủy lợi) cho biết do hồ thủy điện Mã Đồ Sơn cách cửa khẩu Cốc Lếu (tỉnh Lào Cai) khoảng 105 km, nếu hồ này xả nước thì khoảng 10-12 tiếng sau sẽ về đến trạm thủy văn Lào Cai.

Theo thông báo của Ban Ngoại vụ huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn dự kiến xả lũ từ 9h00 đến 17h00 ngày 20/8/2020. Theo đó, khoảng 21h tối 20/8, mực nước sông Thao tại Lào Cai sẽ bị ảnh hưởng. Đáng lưu ý, do lũ trên sông Thao tại Yên Bái vào khoảng 13h20 ngày 20/8 chỉ dưới mức báo động 3 khoảng 12cm và có tốc độ rút chậm nên đến sáng 21/8, có khả năng lũ sông Thao vượt mức báo động.

Trong khi đó, ông Trần Quang Hoài – Phó Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết Trung Quốc không thông báo lưu lượng, tổng lượng xả nhưng với tổng dung tích của hồ Mã Đồ Sơn là 551 triệu m3 thì mức độ ảnh hưởng không lớn. Ông này cho biết vào tháng 10/2017, Việt Nam đã xả lũ hồ Hòa Bình gần 1 tỷ m3.

Báo Tiền Phong dẫn lời của TS. Lê Viết Sơn cho hay nước đổ về từ hồ Mã Đổ Sơn chỉ ảnh hưởng đến mực nước sông Thao. Trong khi, sông Hồng chịu tác động của cả 3 hệ thống sông: sông Đà, sông Thao và sông Gâm-Lô. Do vậy, nếu chỉ nước sông Thao dâng sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến lũ trên sông Hồng ở vùng đồng bằng.

Tuy nhiên, ông này cũng lưu ý một số khu vực sẽ bị ảnh hưởng do lũ trên sông Thao, nhất là TP Yên Bái và một số xã của huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) không có đê bao và một phần diện tích của tỉnh Phú Thọ, tỉnh Lào Cai.

Đưa ra góc nhìn khác, GS. Võ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ lợi (cũ) cho rằng cần cảnh giác, chuẩn bị sẵn nhân lực, vật tư để ứng phó kịp với các sự cố, đặc biệt là hộ đê, nhất là khi Trung Quốc không thông báo cụ thể về lưu lượng ở hồ Mã Đổ Sơn.

Ông Hồng lưu ý sông Hồng trên lãnh thổ của Việt Nam không có hồ chứa cắt lũ và điều tiết nước. Để hãm tốc độ nước dâng trên sông Hồng, thì cần rà soát kỹ hệ thống thuỷ điện trên sông Lô và sông Đà, nhất là thủy văn điện nhỏ và vừa.

Với giả thiết lưu lượng xả lũ từ phía Trung Quốc tăng thêm khoảng 1000-1500 m3/s, theo mức độ gia tăng lưu lượng tại trạm Nguyên Giang (Trung Quốc), mực nước sông Thao tại Lào Cai có khả năng lên nhanh và đạt mức báo động 2 đến trên báo động 2 khoảng 1,0m, tăng lên so với hiện nay khoảng 2,0-2,5m. Mực nước tại Yên Bái trong 36 giờ tới sẽ tăng lại và đạt mức báo động 2-báo động 3.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia

Thực tế, nhiều ngày qua phía Bắc Việt Nam đã liên tục xảy ra mưa vừa, mưa to, gây lũ. Từ ngày 17/8 đến nay, đã có 7 người chết, 4 người bị thương, chủ yếu do lũ quét, sạt lở đất.

Ngoài ra, hơn 1.000 nhà dân bị hư hỏng hoặc di dời khẩn cấp (Lào Cai 52, Thái Nguyên 55, Yên Bái 555, Phú Thọ 23, Hà Giang 136, Sơn La 48, Điện Biên 128). Một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ ngày 21-22/8, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông (phổ biến 20-50mm/24h, có nơi trên 100mm/24h). Riêng khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (phổ biến 50-100mm/24h, có nơi trên 120mm/24h). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ xảy ra tại các tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng. Nguy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như Lào Cai, Yên Bái.

Cấp báo động lũ được phân thành ba cấp (cấp 1, 2, 3) căn cứ vào đặc điểm, độ lớn mực nước lũ và mức độ tác động của lũ lụt đến an toàn đê điều, bờ, bãi sông, công trình và dân sinh, kinh tế – xã hội trên khu vực.

Báo động cấp 1 là mức giới hạn mực nước cho biết trên sông đã bắt đầu có lũ nhưng nước lũ còn ở giới hạn trong lòng sông – tương đương cấp lũ nhỏ.

Báo động cấp 2 là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức trung bình, nước lũ bắt đầu gây ảnh hưởng ngập lụt và tác động xấu đến dân sinh, kinh tế, xã hội – tương đương lũ trung bình.

Báo động cấp 3 là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức cao, gây ảnh hưởng ngập lụt nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân – tương đương lũ lớn.

Nguyễn Quân 

Xem thêm: